Bắn chết 18 người biểu tình, quân đội Myanmar gặp khó
Cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp mạnh hơn và điều này chắc chắn sẽ không có lợi cho quân đội Myanmar sau vụ 18 người biểu tình bị cảnh sát bắn chết.
Đài CNN dẫn báo cáo của Hội đồng Quyền con người Liên Hợp Quốc (UNHRC) cho biết cuộc biểu tình ngày 28-2 ở Myanmar bất ngờ diễn biến cực kỳ bạo lực khi xảy ra hàng loạt vụ đụng độ giữa người dân và cảnh sát ở nhiều TP lớn. Cảnh sát triển khai số lượng lớn vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật để đối phó người biểu tình. Đến cuối ngày, ít nhất 18 người biểu tình bị cảnh sát bắn chết ngay trên đường phố và hàng chục người khác bị thương.
Thảm kịch qua lời kể người trong cuộc
Trả lời phỏng vấn của tờ The Wall Street Journal, anh Hein Ya Za (29 tuổi), tham gia biểu tình ở TP Yangon, cho biết ngay từ lúc anh bước ra khỏi nhà sáng 28-2 thì đã thấy cảnh sát dàn sẵn lực lượng và lập tức bao vây người biểu tình. Một lát sau, cảnh sát bắt đầu phóng hơi cay về phía đám đông và nổ súng, không rõ là bắn đạn cao su hay đạn thật do chỉ nghe tiếng nổ. Một số người hoảng loạn bỏ chạy vào nhà dân bên đường.
“Khung cảnh lúc đó rất hỗn loạn và rất khó thở. Mọi người la hét khắp nơi nhưng chúng tôi không thấy sợ hãi. Một số người dùng nước ngọt để rửa hơi cay, người khác dùng sữa và chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước” - anh Hein nhớ lại.
Đây là lúc ASEAN cần phải phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của mình trong giải quyết khủng hoảng khu vực. Chính quyền quân sự đang cần lối thoát và sẽ tôn trọng ý kiến từ các thành viên ASEAN hơn là các quốc gia phương Tây.
TS TED GOVER - ĐH Claremont Graduate (Mỹ)
Anh Soe Lay (22 tuổi), một người biểu tình khác ở Yangon, chia sẻ anh trực tiếp trông thấy cảnh sát quay súng bắn người dân. Một người đàn ông đứng cạnh anh bị trúng đạn và ngã xuống đường còn anh thì chạy vào một con hẻm để trốn. Lát sau, khi quay lại thì anh được biết người đàn ông kia đã thiệt mạng, thi thể được người dân đưa đi chỗ khác.
Trong khi đó, ông Maung Win (48 tuổi) cho biết ông có mặt sau khi vụ xả súng xảy ra để giúp đưa người bị thương đi cấp cứu. Chỉ tính riêng khu vực của ông thì đã có ít nhất 10 người bị trúng đạn nằm la liệt trên đường phố. Ông nhớ lại “khi ấy có rất nhiều tiếng la hét yêu cầu cảnh sát đừng bắn vào dân nữa nhưng họ chỉ im lặng và đứng nhìn chúng tôi”.
Không chỉ ở Yangon, các diễn biến tương tự cũng xảy ra ở các TP như Mandalay, Myeik, Bago, Dawei và Pakokku. Riêng ở Dawei, một người biểu tình giấu tên ở đây cho biết cảnh sát ban đầu dồn đám đông lên một đại lộ lớn rồi tách họ thành hai đám nhỏ. Sau đó, cảnh sát dồn lực lượng hai đầu đại lộ rồi xả đạn vào người dân. Do biểu tình ở đây quy mô nhỏ hơn Yangon, người tham gia không trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm hay kính bảo hộ nên rất nhiều người trúng đạn bị thương.
Quốc tế khả năng sẽ can thiệp rắn hơn
Hiện nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích cách hành xử bạo lực của cảnh sát và chính quyền quân sự Myanmar. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công khai tuyên bố áp lệnh trừng phạt kinh tế lên giới lãnh đạo quân đội nước này. Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người tuần trước ra thông báo khẳng định sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ lập lại ổn định ở Myanmar, theo tờ The Nikkei.
Có thể thấy thảm kịch ngày 28-2 là một diễn biến cực kỳ bất lợi cho chính quyền quân sự Myanmar, nhất là khi việc quân đội bắt giữ thành viên chính quyền dân sự để lên nắm quyền hồi đầu tháng 2 đã được trong nước lẫn quốc tế ủng hộ. Chính quyền quân sự giờ đây rất khó có thể sử dụng lý do không muốn bị nước ngoài can thiệp công việc nội bộ để ngăn cộng đồng quốc tế can thiệp giải quyết khủng hoảng ở Myanmar nữa, bởi vấn đề đã chuyển từ khủng hoảng chính trị sang khủng hoảng nhân đạo. Các nước có thể xem việc can thiệp vào Myanmar là sứ mệnh nhân đạo nhằm bảo vệ tính mạng người dân nước này, chứ không phải nhằm lật đổ chính quyền quân sự vì ý đồ chính trị.
Bà Aung San Suu Kyi hầu tòa và lãnh thêm cáo buộc mới
Hãng tin Reuters cho biết lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) Aung San Suu Kyi đã xuất hiện tại một phiên tòa trực tuyến hôm 1-3 trong tình trạng sức khỏe tốt sau gần một tháng vắng mặt trước công chúng.
Tại tòa, bà tiếp tục bị truy tố thêm tội danh mới là phát tán thông tin “có thể gây hoảng sợ” bên cạnh hai tội danh “vi phạm luật xuất nhập khẩu do tàng trữ trái phép các thiết bị điện tử” và “vi phạm luật quản lý thảm họa quốc gia”. Phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3.
Reuters cho biết bà Suu Kyi bị quân đội bắt giữ rạng sáng 1-2 cùng hàng loạt quan chức khác của chính quyền dân sự. Truyền thông địa phương dẫn thông tin từ các quan chức NLD cho biết bà bị quản thúc tại nhà riêng ở thủ đô Naypyidaw cho đến khi bị chuyển đến một nơi giam giữ bí mật hơn một tuần trước. Đến nay vẫn không ai biết bà đang bị giam giữ ở đâu.
Tuần qua, nhiều thành viên ASEAN đã rất nỗ lực liên lạc với chính quyền quân sự và thiết lập cầu nối để phe này đối thoại thẳng thắn với phía lãnh đạo dân sự và bàn về khả năng tổ chức bầu cử lại. Phe quân đội lúc đó tỏ ý không hứng thú với giải pháp này nhưng nếu họ đã chấp nhận ngồi xuống đàm phán thì mọi việc có thể đã không diễn biến xấu như hiện tại. Theo The Nikkei: “Ngay cả khi phe quân đội lập tức cho tổ chức bầu cử ngay ngày 1-3 thì cũng không có ích gì nữa. Không thể nào tiếp tục tuyên bố mình tôn trọng ý nguyện của nhân dân khi quay súng bắn lại người ta”.
Trước tình hình trên, nhiều khả năng chính quyền quân sự không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức đối thoại trong thời gian sớm nhất có thể với phía các lãnh đạo dân sự. Kịch bản tốt nhất là phe quân sự chấp nhận từ bỏ quyền lực như yêu cầu của người dân và cộng đồng quốc tế để lập lại hòa bình ở Myanmar.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ban-chet-18-nguoi-bieu-tinh-quan-doi-myanmar-gap-kho-969930.html