Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp chặt với hiệp hội ngành hàng ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Trong quý 3, phát hiện 37.776 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế

Chiều 21/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với các hiệp hội, ngành hàng năm 2023 và phương hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, bên cạnh sự phát triển tích cực của nền kinh tế, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng trong hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử và trên thị trường vẫn còn diễn ra phổ biến.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Các mặt hàng đa dạng, phong phú chủng loại không khó khăn để tìm mua, trong đó có sự trà trộn các mặt hàng bị làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài như: Mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng gia dụng, hàng hóa chuyên ngành (phụ kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử...). Đặc biệt, một số mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Thuốc lá, pháo nổ, đường cát, phân bón, bia rượu, nước uống...

Hàng hóa được đưa vào tiêu thụ trong nội địa bằng nhiều hình thức, thông qua các tuyến đường, phương thức thủ đoạn tinh vi, hiện đại, liều lĩnh. Cùng với đó, việc dán nhãn hàng hóa không đúng quy định vẫn còn diễn ra phổ biến; một số nhãn hàng của doanh nghiệp trong nước cũng bị làm giả ngay trong nội địa hoặc làm giả từ nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ.

Đại diện các hiệp hội đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Đại diện các hiệp hội đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Theo thống kê, trong quý 3/2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 40.000 vụ việc vi phạm, trong đó có 833 vụ việc mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 37.776 vụ việc gian lận thương mại, gian lận thuế, 1.433 vụ việc vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua đấu tranh, các lực lượng đã thu nộp ngân sách 3.053 tỷ đồng; khởi tố hình sự 175 vụ/197 đối tượng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 106.091 vụ, trong đó có 3.052 vụ việc mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 98.833 vụ việc gian lận thương mại, gian lận về thuế, 4.206 vụ việc vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua đấu tranh, các lực lượng thu nộp ngân sách nhà nước 10.062,9 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.341 vụ/1.807 đối tượng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động thương mại bất hợp pháp, trái với quy định pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng không ít tới sự phát triển của nền kinh tế, môi trường làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới sức khỏe, chi tiêu của người tiêu dùng.

Vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Thường trực, đồng thời đề xuất phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trực tiếp thực thi trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, biên giới đất liền, đường biển, đường hàng không và trong nội địa.

Cụ thể, thực hiện chức năng tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian qua, Văn phòng Thường trực đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương, các hiệp hội, ngành hàng như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam...

Bên cạnh đó, đại diện các hiệp hội cũng chia sẻ về thực trạng của việc hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, đưa ra những kiến nghị về giải pháp nhằm ngăn trạng tình trạng trên xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại đối với nhóm hàng là dược phẩm, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước có đường biên giới dài, khó kiểm soát nên không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của nạn buôn lậu từ các nước, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, với yêu cầu mở cửa, hội nhập, thủ tục kiểm soát nhập khẩu ngày càng được miễn giảm, tăng nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu xâm nhập vào thị trường nội địa.

Theo bà Hà, thuốc là loại hàng hóa có giá trị lớn, trong khi đó khối lượng, thể tích lại rất nhỏ, rất dễ vận chuyển, che dấu tránh được sự phát hiện của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Sản xuất, buôn bán thuốc giả là một hoạt động phi pháp nhưng mang lại lợi nhuận cao. Việc sản xuất thường do các tổ chức, cá nhân không có chuyên môn, sản xuất chui, không cần nhà xưởng, thiết bị hiện đại... Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp chưa ý thức đầy đủ trong việc cảnh giác với thuốc giả.

Từ đó, bà Hà cũng đề xuất giải pháp, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, đặc biệt tổ chức nhiều hơn nữa các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giữa các đơn vị, tạo sự răn đe đối các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có ý thức chưa cao. Đồng thời, phát huy vai trò của đơn vị được giao làm đầu mối trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký kết quy chế phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam

Tại Hội nghị, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký kết quy chế phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam

Đánh giá về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Koji Sugita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết, hiện nay, vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tinh vi hơn thông qua các kênh thương mại điện tử. Với mục tiêu đảm bảo thị trường sản xuất xe máy, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Việc ký kết quy chế phối hợp, Hiệp hội mong muốn tiếp tục trao đổi thông tin về những nhãn hiệu của các doanh nghiệp thành viên, đồng thời phối hợp tổ chức các buổi đào tạo cho các lực lượng như Quản lý thị trường, Công an, Thanh tra… nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ chống hàng giả. “Việc ký quy chế phối hợp lần này, tôi tin tưởng hoạt động đấu tranh chống hàng giả tiếp tục được phối hợp chặt chẽ, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử”, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, cũng như các hiệp hội ngành hàng. Vì vậy, sau hội nghị này, Văn phòng Thường trực và các hiệp hội ngành hàng sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mong muốn của các hiệp hội rất lớn. Các hiệp hội đã nêu ra được thực trạng hàng giả, hàng nhái mà các doanh nghiệp thành viên là nạn nhân. Hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, có nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm chức năng, phụ tùng xe máy bị làm giả... Chỉ một mặt hàng giả được tiêu thụ trót lọt trên thị trường sẽ tước đi cơ hội của các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”, ông Lê Thanh Hải cho biết.

Trên cơ sở ý kiến của các hiệp hội, tới đây, Văn phòng Thường trực sẽ tổng hợp, trao đổi với các lực lượng chức năng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trước mắt, rà soát khó khăn, vướng mắc về chồng chéo trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp, cơ sở vật chất… để báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực sẵn sàng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức tuyên truyền để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Khôi Nguyên - Quốc Việt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-chi-dao-389-quoc-gia-phoi-hop-chat-voi-hiep-hoi-nganh-hang-ngan-chan-hang-gia-gian-lan-thuong-mai-287129.html