Bàn chuyện dân số giảm và ô nhiễm
Các nhà khoa học cho rằng việc dân số giảm không đồng nghĩa tình trạng ô nhiễm sẽ giảm, nếu chúng ta không cắt giảm khí thải và chủ động bảo vệ môi trường.
Hiện tại, dân số của thế giới đang có sự dao động chưa từng có. Chỉ 10 năm trước, một báo cáo sử dụng số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc ước tính dân số thế giới có thể tăng lên mức 12,3 tỉ người vào trước năm 2100.
Tuy nhiên, theo báo cáo vừa được trang tin nghiên cứu ScienceAlert công bố, dân số toàn cầu có thể đạt 10 tỉ người vào những năm 2060. Sau đó, dân số sẽ bắt đầu giảm.
Theo trang tin The Conversation, đây là một sự thay đổi đáng ngạc nhiên.
Trong khoảng 50 năm qua, một số nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi giảm tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu để giảm gánh nặng lên môi trường. Năm 1968, có nghiên cứu dự đoán rằng nếu dân số tiếp tục tăng thì có thể gây ra nạn đói lớn, và do đó kêu gọi kiểm soát việc sinh thêm con.
Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta phải đối mặt một thực tế rất khác: tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại mà không có sự kiểm soát, các biện pháp khuyến sinh vẫn chưa phát huy tác dụng như mong muốn.
Tình trạng dân số giảm và nguyên nhân
Đối với phần lớn châu Âu, Bắc Mỹ và một số quốc gia Đông Á, tình trạng giảm dân số đã diễn ra trong nhiều thập niên. Tỉ lệ sinh giảm đều đặn trong 70 năm qua và vẫn ở mức thấp, trong khi nhóm người có tuổi thọ trên 80 đã tăng ở những khu vực này.
Đến nay, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, chiếm 1/6 dân số toàn cầu. Nhưng dân số nước này hiện cũng giảm, với tốc độ giảm dự kiến sẽ có thể mạnh hơn.
Theo The Conversation, từ nay đến cuối thế kỷ, dân số Trung Quốc dự kiến giảm còn chưa đến 2/3 dân số nước này hiện nay. Sự giảm dân số này này là do chính sách một con được Trung Quốc thực hiện trong nhiều năm.
Nhật từng là quốc gia đông dân thứ 11 trên thế giới, nhưng hiện nay, Nhật là một trong những nước chứng kiến mức giảm dân số đáng báo động nhất.
Các nhà khoa học gọi quá trình này là chuyển đổi nhân khẩu học. Khi các quốc gia chuyển từ nền kinh tế chủ yếu là nông thôn, nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tỉ lệ sinh giảm mạnh. Khi tỉ lệ sinh thấp kết hợp tỉ lệ tử vong thấp, dân số bắt đầu giảm.
Ngoài những nguyên nhân liên quan chính sách nhà nước, tình trạng dân số nhiều nước giảm nhanh còn do quyết định của các cặp vợ chồng trẻ. Người trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn hơn và muốn đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, sự nghiệp nên nhiều người trong số họ quyết định kết hôn muộn và sinh ít con hơn.
Ngoài ra, khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, tỉ lệ sinh đã giảm mạnh ở hầu hết các quốc gia, trong khi tỉ lệ tử vong tăng lên. Sự kết hợp đó đã thúc đẩy dân số nói chung giảm nhanh ở nhiều nước.
Dân số giảm đặt ra những thách thức thực sự về mặt kinh tế, liên quan việc nguồn lao động trở nên ít hơn và nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho quá trình hỗ trợ người cao tuổi. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh giành lao động có tay nghề sẽ gia tăng trên toàn cầu. Tình trạng di cư có thể xảy ra, nhưng di cư không làm thay đổi tổng số lượng người, nó chỉ thay đổi nơi họ sinh sống.
Đến năm 2100, thế giới dự kiến chỉ còn 6 quốc gia có tỉ lệ sinh cao hơn tỉ lệ tử vong, bao gồm Samoa, Somalia, Tonga, Niger, Chad và Tajikistan. 97% quốc gia còn lại dự kiến sẽ có tỉ lệ sinh dưới mức sinh thay thế (2,1 trẻ em/phụ nữ).
Dân số giảm sẽ tốt cho môi trường?
Theo The Conversation, dân số giảm không đồng nghĩa với việc môi trường sẽ bớt ô nhiễm và thiên nhiên sẽ phục hồi như trước đây.
Ví dụ, lượng năng lượng bình quân đầu người mà chúng ta sử dụng đạt đỉnh ở độ tuổi từ 35 đến 55, giảm xuống rồi lại tăng trở lại từ độ tuổi 70 trở đi, do người già thường ở trong nhà lâu hơn và sống một mình trong những ngôi nhà lớn. Sự gia tăng của dân số già trong thế kỷ này có thể khiến lượng năng lượng tiêu thụ tăng lên.
Ngoài ra, sự chênh lệch lớn trong việc sử dụng tài nguyên cũng xảy ra. Các quốc gia giàu có sẽ tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn. Vì vậy, khi nhiều quốc gia trở nên giàu có hơn trong tương lai thì có khả năng sẽ trở thành các quốc gia phát thải nhiều hơn trước đây.
Tình trạng di cư cũng sẽ xảy ra. Số lượng người di cư hiện đã vượt qua dự báo cho năm 2050. Khi mọi người di cư đến một quốc gia phát triển để sinh sống, làm việc, điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế cho họ và quốc gia đó. Tuy nhiên, về mặt môi trường, điều này có thể làm tăng lượng khí thải bình quân đầu người và tác động đến môi trường.
Các nhà khoa học cũng cho rằng việc dân số toàn cầu giảm có thể cắt giảm mức tiêu thụ chung và giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, theo The Conversation, nếu chúng ta không cắt giảm khí thải và thay đổi cách tiêu dùng gây hại cho môi trường, chúng ta có thể phải đối mặt tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng trong tương lai.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-chuyen-dan-so-giam-va-o-nhiem-post808132.html