Bàn chuyện trước từng là pháp lý, nay là đạo lý
“Nhà nước ta đã hơn một lần đưa đất về tay nông dân, cho dù vẫn còn lời bàn. Nhưng như vậy, Nhà nước đã một lần “đóng giày” cho nông dân rồi, bằng các cuộc “cải cách”, “cải tạo” ruộng đất với chính sách “hạn điền”, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang- Nguyễn Minh Nhị.
Nhà nước đã (hoặc phải) “đóng dấu” vào luật đất đai tinh thần đó. Bài này nhằm góp thêm cách “minh bạch hóa” “con dấu” ấy. Và đóng khung trong kinh tế Nông nghiệp – Nông thôn.
Nhà nước nào cũng lo cho đất nước phát triển, và tất nhiên phải dựa vào người có điều kiện làm giàu cho bản thân và cho cộng đồng. Song, Chính quyền Nhà nước muốn ổn định phát triển thì không để phân hóa giàu nghèo quá nhanh, không để bộ phận nghèo rớt xuống đáy xã hội, càng không để bị “thủng đáy”.
Vậy nên luật đất đai không giới hạn trực canh, tức không “chụp mũ” lên đầu nhà đầu tư nông nghiệp, họ có bao nhiêu đất để sản xuất luật không cấm, phải công nhận, song lại giữ “hạn điền” cho người nghèo, tức là “gạch chân” người nghèo không để tụt xuống đến “thủng đáy” xã hội.
Nhà nước đã một lần “đóng giày” cho nông dân rồi, bằng các cuộc “cải cách”, “cải tạo” ruộng đất với chính sách “hạn điền”. Đó là “lý lẽ” ai có đất trong hạn điền cho thuê, không gọi là “phát canh thu tô”; ngoài hạn điền (3ha) chỉ thu thuế thu nhập, cũng không gọi bóc lột. Trước đây vấn đề này là pháp lý, nay nó là đạo lý. Ảnh minh họa: tinnongnghiep.
Vấn đề này rất có ý nghĩa sau khi xuất hiện chuyện Hy Lạp phải kêu nhờ EU cứu trợ; chủ nghĩa bảo hộ, trào lưu dân túy “rộ nở” trên thế giới năm 2016 hay chuyện người máy thay lao động của con người càng nhiều, thị trường lao động thu hẹp...
Công nghiệp hóa, toàn cầu hóa đang thử thách nước nghèo, người nghèo gay gắt. Nhà nước nào có quỹ an sinh xã hội lớn sẽ yên tâm. Ngược lại, Nhà nước nào chưa bảo đảm an sinh xã hội thì càng phải cẩn trọng, kẻo khi xảy ra khủng hoảng kinh tế như đã từng xảy ra, một bộ phận nông dân chưa kịp “công nhân hóa”, khi “quay đầu” sẽ không còn “bờ đất” để mưu sinh.
Trở lại vấn đề “nới hạn điền”, chủ tâm của Chính phủ là thúc đẩy đầu tư nông nghiệp với hình thức sản xuất lớn: Hợp tác xã và Trang trại. Chỉ có tập trung và tích tụ đất là điều kiện tiên quyết lên sản xuất lớn. Luật Đất đai 2013 hoàn toàn có thể vận dụng làm được, ngoại trừ vấn đề “pháp lý” và “tâm lý” cần phải được minh định thêm bằng văn bản pháp qui dưới luật (rồi sẽ thành luật). Trong bài ủng hộ Chính phủ “Nới hạn điền...” đã đăng trên VietnamNet hôm 21/3/2017, tôi có nói đến hạn điền. Trong bài viết này tôi xin làm rõ thêm:
- Doanh nghiệp lập Dự án đầu tư vào Nông nghiệp: Về phương thức sử dụng đất, nếu “đất sạch” của Nhà nước sẽ cho thuê, rõ rồi. Nếu đất thu hồi của dân (mua hay thuê?) Ai thu hồi? Nếu Nhà nước đứng ra thu hồi thì phải minh bạch tay ba, không được lấy lời từ giao đất cho nhà đầu tư mà phải giao hết cho Nông dân và điều kiện ràng buộc là “dự án nông nghiệp” thì chỉ làm nông nghiệp, không được lý do gì “chuyển đổi mục đích dự án” .
Ở nơi miền ngoài có hạ tầng tốt, công nghiệp phát triển, dân trí cao và tay nghề cao thì tùy, nhưng ở ĐBSCL hạ tầng – giao thông chưa tốt, chưa có công nghiệp hóa, “vùng trũng” giáo dục, tuyệt đối không ép, không chấp nhận nông dân bán hết đất cho “Dự án” mà chỉ chấp nhận cho thuê. Đó là nói chủ trương, tinh thần là không thúc ép, chứ họ có đến 5 quyền, muốn bán thì tùy, cấm họ bán họ sẽ kiện, ta thua, song chính quyền và đoàn thể phải làm cho họ thông, để họ có chuẩn bị điều kiện rời đồng ruộng mà không đói, nếu có rủi ro không oán trách ai.
- Doanh nghiệp chưa đầu tư vào nông nghiệp không hẳn là do hạn điền. Đó còn là do chánh sách và luật pháp của ta nói chung chưa đủ sức làm bệ đỡ cho doanh nhân cất cánh và càng thiếu cơ chế bảo vệ khi họ gặp đối tác cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí khi gặp cán bộ thừa hành “nhũng nhiễu” chứ chưa nói đến “giông bão” thị trường.
Muốn có lời giải hãy hỏi các doanh nghiệp có thiện chí, trung thực, thẳng thắng, nhưng người nghe phải có đủ quyền và lực giải mới được!
- Vấn đề hạn điền và hạn thời gian sử dụng đất có ý nghĩa với một số nơi, ở ĐBSCL không có ý nghĩa thực tiễn, chỉ là vấn đề tâm lý: Nay được cấp “quyền sử dụng”, khi nào bị “thu hồi” nhất là khi Nhà nước 4 cấp đều có “quyên thu hồi đất”? Phải minh bạch chỗ này để dân yên tâm và người có quyền không có cơ hội lợi dụng.
Họ sợ, vì thuê mặt bằng bán cà phê mà khi bán chạy, đông khách người chủ hay đòi tăng tiền cho thuê, vậy ai dám thuê đất cất nhà? Thêm vào đó là chuyện chính sách thay đổi liên tục, rồi còn chuyện có chính sách, có luật rồi, sau phát hiện ra nhiều “lỗi” như Bộ luật Hình sự 2015 có khoảng 90 lỗi kỹ thuật. khi gần ngày thi hành phải đình, chờ sửa. Luật đất đai năm 1993 có đến 700 văn bản dưới luật mà vẫn chưa minh bạch, thông thoáng! Đây là những dẫn chứng có thật, vậy tôi mới dám nói, chưa hẳn “hạn điền” đã cản trở đầu tư vào nông nghiệp?
Nhà nước ta đã hơn một lần đưa đất về tay nông dân, cho dù vẫn còn lời bàn. Nhưng như vậy, Nhà nước đã một lần “đóng giày” cho nông dân rồi, bằng các cuộc “cải cách”, “cải tạo” ruộng đất với chính sách “hạn điền”. Đó là “lý lẽ” ai có đất trong hạn điền cho thuê, không gọi là “phát canh thu tô”; ngoài hạn điền (3ha) chỉ thu thuế thu nhập, cũng không gọi bóc lột. Trước đây vấn đề này là pháp lý, nay nó là đạo lý.
Nguyễn Minh Nhị