Bàn chuyện 'vay văn minh, trả nợ văn minh'…
Để hình thành thói quen 'vay văn minh, trả văn minh', từ đó thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển ổn định, bền vững, cần sự rõ ràng, minh bạch từ cả phía người vay lẫn bên cho vay và cơ quan quản lý.
Những lưu ý khi vay tiêu dùng
Gần đây, bên cạnh ứng dụng cho vay tiền của công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng “đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Đồng thời, các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Đáng chú ý hơn, khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp… cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng. Đồng thời, khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các quy định về lãi suất, phí, tiền phạt… dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng.
Thực tế, tín dụng tiêu dùng giữa công ty tài chính và các ngân hàng thương mại có sự khác biệt rõ ràng cả về đối tượng cho vay, sản phẩm, đặc biệt là lãi suất cho vay. Công ty tài chính thường cung cấp những khoản vay nhỏ trong thời gian ngắn nên thời gian phê duyệt nhanh để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Với một khoản vay không có tài sản đảm bảo thì mức độ rủi ro lớn hơn, nên lãi suất đương nhiên cao hơn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong bối cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, nhiều người cần tiền phải đi vay để tiêu dùng, mua sắm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, song lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Việt Nam có quy định lãi suất trên 20%/năm được xem là lãi suất không hợp pháp, song thực tế hiếm có người bị truy tố vì cho vay lãi suất cao hơn mức này.
“Luật đã có nhưng áp dụng chưa chặt chẽ, nên lãi suất tiêu dùng có thể lên tới 30%/năm, thậm chí cao hơn rất nhiều đối với các hoạt động cầm đồ, tín dụng đen. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi, phí cộng lại cũng rất cao. Có loại lãi suất niêm yết trên giấy tờ không cao, nhưng nếu cộng cả lãi suất tăng thêm, các loại phí… thì lãi suất thực có thể lên đến vài trăm phần trăm một năm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo LS. Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm, hiện nay, các công ty tài chính chính thống hoạt động bài bản, công khai theo quy định pháp luật và lãi suất cho vay cao hơn 20%/năm là không vi phạm, vì pháp luật ngành ngân hàng không quy định lãi suất cho vay tối đa. Còn các công ty núp bóng mập mờ về hợp đồng, lãi suất (lãi suất thấp nhưng thu phí cao, dẫn đến lãi suất thực rất cao). Do đó, khi tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng, khách hàng cần tìm hiểu thông tin về đơn vị cho vay, gói vay… để nhận diện đâu là công ty tài chính chính thống, đâu là công ty tài chính trá hình. Pháp luật quy định, hợp đồng vay là hợp đồng bằng văn bản, trong đó thể hiện rõ lãi suất, phương thức xử lý nợ... Tuy nhiên, các công ty tài chính trá hình đều né tránh, không ký hợp đồng chính thức, lãi cho vay cao...
Vay văn minh, trả nợ văn minh
Hãy nhìn người lao động với góc nhìn hỗ trợ để cùng thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển ổn định, bền vững.
Nhận định được đưa ra từ giới phân tích tài chính cho thấy, nếu so với các nước phát triển có tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng lên tới 40 - 50% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, thì “miếng bánh” dư nợ tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn lớn.
Một nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao sẽ kéo theo sự gia tăng thu nhập cá nhân và sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, đây là yếu tố then chốt cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, lực lượng lao động và thu nhập của người lao động đã bị ảnh hưởng đáng kể, khiến mảng cho vay tiêu dùng không chỉ bị chững lại mà còn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng, nhất là khi các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển cho vay rất nóng với điều kiện dễ dãi và không kiểm soát chặt chẽ rủi ro từ những năm trước.
Thực tế cho thấy, nếu hoạt động cho vay khó khăn thì công ty tài chính chịu sức ép rất lớn từ hoạt động thu hồi nợ, bởi một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, lợi dụng sự mập mờ giữa 2 pháp nhân đều là công ty tài chính để lôi kéo, rủ rê cùng nhau cố tình không trả nợ cho các công ty tài chính do NHNN cấp phép, thậm chí vu khống nhân viên có hành vi thu nợ “manh động”, khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính chính thống gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian qua, các công ty tài chính chính thống tuân thủ quy định của NHNN từ cho vay đến các biện pháp thu hồi nợ. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, các công ty tài chính này cũng vào cuộc cùng NHNN để hỗ trợ khách hàng bằng các biện pháp như miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ... Một cách sơ bộ, công ty tài chính tiêu dùng chính thống đã làm tốt các nhiệm vụ như đáp ứng nhu cầu tài chính tiêu dùng chính đáng cho khách hàng chưa hoặc không có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng “đen”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, gia tăng trải nghiệm người dùng để người dân tiếp cận tín dụng một cách thuận tiện và dễ dàng hơn; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an toàn của tổ chức tài chính cũng như toàn hệ thống.
“Cách đây nhiều năm, NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng dùng các công ty thu hồi nợ bên ngoài để hỗ trợ đòi nợ. Tôi không đồng tình và cho rằng, NHNN nên xem xét lại. Lý do bởi các công ty thu hồi nợ có chuyên môn, nghiệp vụ về vấn đề này, trong khi nhân viên tín dụng không được đào tạo bài bản về thu hồi nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu kể và cho rằng, cần tăng cường phổ cập kiến thức tài chính cho người dân, từ đó nâng cao ý thức cũng như kiến thức về tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa những vụ việc đòi nợ vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, khi mà tình trạng này diễn ra phổ biến thời gian qua, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) cho rằng, để hình thành thói quen “vay văn minh, trả văn minh”, việc tuyên truyền, thông tin đầy đủ, hỗ trợ kiến thức tài chính cho người vay là rất cần thiết, nhất là thông tin về lãi suất, hợp đồng tín dụng, cho vay…, song nếu chỉ như vậy là chưa đủ, mà còn phải có các giải pháp tài chính, đáp ứng kịp thời, tiện dụng nhu cầu vốn giá rẻ, an toàn cho công nhân, người lao động. Đây là giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi tín dụng “đen”.
Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, không một ai muốn vay tiêu dùng xong thành nợ xấu, ai vay cũng đều mong muốn trả được nợ. Tuy nhiên, nếu lãi vay quá cao hoặc hình thức vay quá khó khăn khiến người lao động không tiếp cận được hoặc vay rồi không trả nổi, thì mới chuyển sang chiều hướng xấu. Do đó, hãy nhìn người lao động với góc nhìn hỗ trợ để cùng thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển ổn định, bền vững.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ban-chuyen-vay-van-minh-tra-no-van-minh-post323448.html