'Bạn' của tử tù
Năm nay 31 tuổi nhưng Lường Văn Lả - một trong 6 bị cáo lĩnh án tử hình trong vụ án cô gái giao gà đã 'ngồi' trại được hơn 5 năm và đang trong thời gian chờ thi hành án. Dù biết cái giá phải trả cho tội ác của mình nhưng bây giờ anh ta đã thay đổi. Từ chỗ bất cần, quậy phá, xin được thi hành án sớm, Lả ân hận, sám hối, khát khao được sống.
Anh ta viết đơn gửi Chủ tịch nước xin tha tội chết và chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của trại. Sự thay đổi của một kẻ mang trọng tội đó là nhờ sự cảm hóa của Ban giám thị, quản giáo Trại tạm giam Noong Bua, Công an tỉnh Điện Biên.
Cảm hóa bị án tử hình trong vụ án “cô gái giao gà”
Con đường dẫn vào Trại tạm giam Noong Bua giờ đã có nhiều bóng cây xanh nhưng vẫn không ngăn nổi cái chói chang, oi bức của những ngày đầu hè Tây Bắc. Một trung úy da rám nắng, có nụ cười tươi tắn, dẫn tôi vào phòng làm việc của Thượng tá Nguyễn Lai Bình, Giám thị Trại tạm giam. Anh đang bận trao đổi với tổ quản giáo dưới khu biệt giam. Khoảng 30 phút sau, Thượng tá Bình về phòng trong bộ cảnh phục đẫm mồ hôi. Anh hồ hởi bắt tay tôi rồi nói như thanh minh “Áp lực và căng thẳng nhất là trông coi các phạm nhân có án tử hình, anh ạ”...
Đã hơn 5 năm trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa thể quên vụ án “Bắt cóc người nhằm chiếm đoạt tài sản, Giết người, Hiếp dâm, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Không tố giác tội phạm” mà truyền thông gọi là kỳ án “Cô gái giao gà” xảy ra tại huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Vụ án đi vào lịch sử tố tụng khi trả giá cho việc tước đoạt mạng sống của một nữ sinh, 6 bị cáo bị tuyên án tử hình (Vì Văn Toán, Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Lường Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm và Lường Văn Lả), 3 bị cáo lãnh án tù có thời hạn. Vụ án gây rúng động dư luận bởi tính chất man rợ, thú tính của các đối tượng gây án cùng nhiều tình tiết ly kì, bí ẩn dần được làm sáng tỏ bởi các điều tra viên.
Theo Thượng tá Bình, kẻ thủ ác đều có tiền án, tiền sự hoặc nghiện ma túy nên khi nhập trại, nhất là sau khi bị tuyên án tử hình sẽ tỏ ra lì lợm hơn. “Dù có tàn ác đến mấy nhưng khi phải đối mặt với cái chết, tội phạm đều khủng hoảng tinh thần, diễn biến tâm lý rất phức tạp. Chúng tôi phải có nhiều “đối sách”, đồng thời phân công cán bộ quản giáo có kinh nghiệm để cảm hóa các đối tượng”, Thượng tá Nguyễn Lai Bình chia sẻ.
Trong số 6 đối tượng, Lường Văn Lả ít tuổi nhất. Lả sinh năm 1993, quê ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Khi gây án anh ta nghiện ma túy, chưa có vợ và chính Lả cũng là kẻ xâm hại nữ sinh C.M.D nhiều lần nhất. Tháng 3/2019, Lường Văn Lả bị khởi tố, bắt tạm giam. Không như các đối tượng khác ngoan cố, tìm cách chối tội, Lả khá thành khẩn. Dù có tình tiết giảm nhẹ nhưng trước tội ác dã man của mình, anh ta cũng không tránh khỏi án tử hình.
Sau phiên tòa, Lả suy sụp, thường xuyên bỏ bữa, muốn xin được chết càng sớm càng tốt. Nhưng rồi, nhờ Ban giám thị động viên, bố trí cho mẹ vào thăm, Lả đã thay đổi. Anh ta xúc động và khóc rất nhiều, sau đó xin gặp Thượng tá Bình để tạ tội và từ hôm ấy, Lả trở thành một người hoàn toàn khác...
Thiếu tá Lê Đông Đô và một quản giáo dẫn Lả lên phòng lấy cung. Tôi khá bất ngờ vì anh ta to béo, trắng trẻo, khác xa hình ảnh nghiện ngập mặt xanh nanh vàng, mắt trắng dã hồi bị bắt. Lả lễ phép trả lời các câu hỏi của Giám thị Nguyễn Lai Bình và tôi. Đang rộng miệng nở nụ cười hở lợi khi tôi hỏi về hình xăm trên bả vai, bất ngờ anh ta im bặt, cúi xuống, rơm rớm nước mắt. Lả bảo hồi mới vào trại, anh ta thường xuyên mơ thấy nữ sinh C.M.D trở về, thậm chí đập cửa, bị cô kéo chân, kéo tay.
“Có hôm đang tắm, cháu hét lên khiến bạn tù hoảng hốt bởi ngoái lại thấy D. (tên cô nữ sinh - PV) đang đứng, tay bám song sắt, đôi mắt lạnh lẽo nhìn cháu chòng chọc, oán hờn”, Lả run rẩy kể. “Nhưng rồi, được cán bộ nói chuyện, động viên, được gặp gia đình, được gặp mẹ, cuộc đời cháu đã thay đổi. Mẹ cháu về “làm lý” (lễ cúng của người Thái - PV) xin D. tha tội. Bất kể ngày hay đêm, cháu đều cầu nguyện xin tha thứ. Từ lâu rồi cháu bây giờ không mơ thấy cô ấy nữa, cháu chỉ muốn được sống để về với mẹ”, Lả sụt sùi.
“Chuyên gia” cảm hóa tử tù
Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên nhiều năm nay luôn giam giữ số lượng phạm nhân có án tử hình xấp xỉ 50% tổng số can phạm nhân của Trại. Khi đã đối mặt với cái chết, tử tù sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để tìm con đường sống; một số kẻ “sở hữu” nhiều tiền án, tiền sự nên có kinh nghiệm, quỷ kế đối phó với công an. Một số kẻ khác lại bi quan, có suy nghĩ tiêu cực... Cơ sở vật chất ban đầu Trại tạm giam Noong Bua được đầu tư xây dựng không phải để giam tử tù nên hiện tại đang đặt áp lực lên đôi vai Ban giám thị, các quản giáo và cán bộ, chiến sĩ. “Quân số mỏng, lính nghĩa vụ có thể tăng cường, “mượn” từ các đơn vị nhưng quản giáo đang thiếu 30% so với định biên. Quản lý bị án tử hình phức tạp, nhưng cái nghề này đặc thù quá nên không dễ có nguồn bổ sung”, Thượng tá Nguyễn Lai Bình nỗi niềm.
Trưởng thành từ trinh sát, điều tra viên rồi làm Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng Công an thị xã Mường Lay, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Thượng tá Nguyễn Lai Bình về “đầu quân” làm Giám thị Trại tạm giam tưởng như sẽ không “ăn nhập” với một chuyên gia đánh án như anh. Nhưng, chính lòng yêu nghề, trách nhiệm cùng mấy chục năm đối đầu với biết bao tên tội phạm nguy hiểm đã tạo cho anh bản lĩnh và tài cảm hóa tội phạm. Ngay sau khi nhận quyết định về làm Giám thị, Thượng tá Bình đã báo cáo Ban Giám đốc cho sửa sang bệnh xá trong trại, tổ chức khám bệnh tổng thể cho các phạm nhân, lập hồ sơ bệnh án cho từng can phạm. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe phạm nhân, Ban Giám đốc đã tăng cường thêm 3 bác sĩ, 2 y sĩ từ Bệnh viện 7/5.
Ban giám thị đặc biệt quan tâm công tác thăm nuôi phạm nhân, đơn vị coi đây là liều thuốc tinh thần cho các bị án tử hình. Một số phạm nhân quốc tịch nước ngoài, nhiều năm không có người thăm hỏi, Trại tạm giam đã làm công văn gửi cho đại sứ quán các nước báo tin, tìm “kênh” kết nối cho thân nhân để sang thăm hoặc ít ra có thư từ, bưu phẩm cho họ. Không riêng gì Lường Văn Lả, cả 6 đối tượng bị kết án tử hình trong vụ án “Cô gái giao gà” ban đầu đều lì lợm, bất cần, thậm chí còn xúc phạm người tham gia tố tụng nhưng đến giờ đều đã “ngoan ngoãn”, thành khẩn, chấp hành tốt quy định của trại.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Noong Bua, họ đều tâm sự “ám ảnh” nhất đối với nghề quản giáo chính là tử tù tự sát. Khi người ta không muốn sống thì không thiếu gì cách để kết thúc cuộc đời của mình. Thượng tá Vàng A Sính, Thiếu tá Lê Đông Đô, Thiếu tá Nguyễn Thị Lý kể cho tôi nghe về các trường hợp tìm cách để sớm đóng sập cánh cửa cuộc đời nhưng nhờ quản giáo mà họ được sống và cảm nhận điều quý giá của cuộc sống. Phạm nhân Mùa A Xuân ở bản Ao Cá, xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông), can tội mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án tử hình là một ví dụ. Xuân suy sụp, trầm cảm khi 2 năm không có người nhà, nhất là cô vợ trẻ vào thăm. Nhưng, không giống các phạm nhân khác tỏ ra bất mãn thì anh ta lại vờ tự giác, sau đó âm thầm tìm cách để... chết. Thủ đoạn của Xuân rất kì quái, đêm đêm anh ta ngồi rút từng sợi chỉ ở quần áo để ăn. Rất may, các quản giáo đã phát hiện kịp thời, đưa Xuân đi cấp cứu, bác sĩ “lôi” ra một búi chỉ trong đoạn ruột bị tắc, giúp anh ta thoát cửa tử trong gang tấc.
Chính những ngày nằm trong bệnh viện, được Thượng tá Bình, Thiếu tá Đô trò chuyện, Xuân đã mở lòng... Thượng tá Bình đã trực tiếp trao đổi với Công an xã Pú Hồng, nhờ chụp ảnh vợ con gửi cho anh ta xem. Công an địa phương cũng tạo điều kiện cấp giấy cho vợ con đi thăm nuôi. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Công an đã hỗ trợ gia đình Xuân dựng căn nhà đại đoàn kết. Những việc làm ý nghĩa, nhân văn đó đã cảm hóa được Xuân. Anh ta giờ đã tiến bộ, tự giác và cũng giúp quản giáo cảm hóa thêm đối tượng tiêu cực giam cùng buồng.
Người ta nói rằng cuộc đời mỗi người chỉ sinh ra một lần, sống một lần và chết cũng một lần nhưng ở Trại tạm giam Noong Bua lại không phải như vậy. Bởi, quyết định ân giảm từ tử hình xuống chung thân của Chủ tịch nước đã mở con đường sống cho hàng chục phạm nhân. Các quản giáo kể về trường hợp phạm nhân Tòng Thị Đeng (Nàng Đeng), sinh năm 1972 ở Hua Mức, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào bị kết án tử hình tội mua bán trái phép ma túy. Đeng bị bắt hồi tháng 8/2020, ra tòa lĩnh án tử. Nhưng, do thành khẩn, tích cực khai báo, thực sự ăn năn hối cải, ngày 16/1/2024, cô ta được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình. Trước khi được đưa đi thụ án ở Trại giam Vĩnh Quang, Đeng bất ngờ sụp xuống vái các cán bộ quản giáo và nghẹn ngào cảm ơn các anh đã cho cô ta có cơ hội được sống...
Lúc bị dẫn giải về buồng biệt giam, Lường Văn Lả 3 lần ngoái lại nhìn tôi như muốn nói thêm điều gì. Nhìn ánh mắt ầng ậng nước của Lả, tôi biết anh ta thực sự ân hận với tội ác của mình. Dù có phải trả giá cho hành vi man rợ của mình hoặc may mắn “lỡ chuyến đò về âm phủ” nếu được Chủ tịch nước tha tội chết, Lả đã thấm thía và nhận ra điều quý giá của cuộc sống. Anh ta thực sự sám hối và muốn được tha tội. Chia tay các cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Noong Bua, tôi nhìn Thượng tá Bình, Thượng tá Sính, Thiếu tá Đô, Thiếu tá Lý... và nghĩ về những người khác. Cũng làm công an, cũng quân hàm theo niên hạn nhưng sao ve hàm của họ lại bạc phếch, không tươi đỏ?
Công việc thầm lặng, khắc nghiệt chỉ có lòng yêu nghề và lòng nhân ái các anh, chị mới khiến những ác nhân mang khuôn mặt con người trở lại làm người. Và, đó cũng là một trong những nguyên nhân để Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên 10 năm liên tục không để phạm nhân trốn trại, không để bị án tử hình tự sát hay tử vong trong trại. Đơn vị nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và Đơn vị Tiên tiến...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ban-cua-tu-tu-i731268/