Ban đại diện cha mẹ học sinh không thể là 'cánh tay nối dài' tiêu cực

Bước sang tuần học thứ 4, câu chuyện về các khoản thu ngoài học phí, nhất là đầu mục do Ban đại diện cha mẹ HS chủ trì vẫn là đề tài nóng...

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh minh họa

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh minh họa

Lạm thu len lỏi

Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban) không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban.

Tuy nhiên, lạm thu vẫn len lỏi trong các nhà trường, dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều người chia sẻ “sợ” tham gia họp đầu năm vì danh mục các khoản thu dưới danh nghĩa “xã hội hóa,” từ tiền mua điều hòa, máy chiếu, tivi, rèm cửa hay các trang trí lớp học, quà tặng dịp lễ Tết, chụp ảnh kỷ yếu...

Nhiều khoản thu mang tên “tự nguyện” nhưng thực tế có tính chất cào bằng, mức thu từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/học sinh. Thay vì đóng góp, ủng hộ tùy vào tấm lòng, hoàn cảnh gia đình nay bị buộc phải đóng theo số tiền ấn định.

Sự việc mới đây nhất xảy ra tại Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn thu mỗi phụ huynh 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ đã gây bức xúc xã hội. Ban giám hiệu nhà trường phải làm việc với giáo viên chủ nhiệm lớp và Ban, đồng thời yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền này này bởi chưa thực hiện đúng, đủ quy định.

Và đây chắc chắn không phải là sự việc duy nhất về Ban đại diện cha mẹ học sinh thu sai quy định. Điển hình, tại Hải Dương, mặc dù sở GD&ĐT đã có kết luận và chấn chỉnh việc lạm thu của Ban Trường THPT Thanh Miện 3 (huyện Thanh Miện) do chưa đúng quy định tại Nghị quyết 08/2022 của HĐND tỉnh Hải Dương và các văn bản hiện hành nhưng sau trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin và liệt kê 16 khoản thu đầu năm học của Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Chí Linh).

Trong 16 khoản thu này, có đến hơn nửa trong danh sách khi đối chiếu với các quy định của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết số 08/2022 của HĐND tỉnh Hải Dương đều không nằm trong danh mục. Cụ thể, có những khoản thu gồm ghế và cờ: 25.000 đồng/học sinh; kỹ năng sống: 432.000 đồng; phô tô đề kiểm tra: 200.000 đồng, mua tivi: 300.000 đồng, quỹ hội phụ huynh: 250.000 đồng; hỗ trợ đưa học sinh giỏi đi thi: 50.000 đồng; mua loa đài: 15.000 đồng; hỗ trợ cơ sở vật chất: 168.000 đồng…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thu, chi phải theo quy định

Để ngăn tình trạng lạm thu đến từ Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều phương án được đề xuất, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu, đặc biệt thu ngoài học phí. Ban giám hiệu nhà trường phải nắm được những khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh và sớm ngăn chặn khi có biểu hiện thu ngoài quy định.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) thông tin, phòng đã họp tất cả hiệu trưởng để quán triệt đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; tuyệt đối không để xảy ra việc Ban thu khoản mà giáo viên, hiệu trưởng không nắm được.

Kế hoạch thu, chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải được thống nhất với ban giám hiệu, sau đó mới triển khai ở các lớp trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng. Khi Ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai hoạt động và các khoản thu, chi, giáo viên chủ nhiệm lớp phải cùng ngồi nghe, tránh việc không nắm được nội dung mà Ban triển khai ở lớp mình.

Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), những năm qua, huyện ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt và coi ngăn chặn lạm thu là nhiệm vụ quan trọng để phụ huynh yên tâm, từ đó hạn chế tối đa học sinh bỏ học.

“Thời điểm này, các trường đã hoàn thành tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học. Toàn bộ kế hoạch thu, chi của từng lớp, trường, cấp học phải gửi về UBND huyện để được phê duyệt trước khi triển khai với yêu cầu các trường tuyệt đối không tự ý tổ chức thu những khoản ngoài quy định, chưa phê duyệt”, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì nhấn mạnh.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Ban chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, tuyệt đối không thu các khoản tiền khác.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ học sinh…

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh phải chủ trì, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể thành viên ban thống nhất ý kiến. Đồng thời, phải trao đổi với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí và chỉ triển khai sau khi được các thành viên của ban thông qua.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-khong-the-la-canh-tay-noi-dai-tieu-cuc-post655708.html