Bán dẫn là điểm nhấn trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc

Bên cạnh việc phát triển hệ thống giao thông nhằm thúc đẩy vận chuyển hàng hóa nhanh chóng đến các cửa khẩu biên giới Trung Quốc, khu vực trung du và miền núi phía bắc Việt Nam còn được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp và sản xuất bán dẫn.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc lần thứ 3. Ảnh: chinhphu.vn

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc lần thứ 3. Ảnh: chinhphu.vn

Đây là những mục tiêu chính mà Chính phủ đặt ra cho các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc trong bản Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố vào ngày 24-5, theo Chinhphu.vn.

Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao.

Đến năm 2050, vùng trung du và miền núi phía bắc sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,5-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000-18.000 đô la Mỹ.

Vùng trung du và miền núi phía bắc được tổ chức thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu động lực.

Vùng sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt phát triển lớn nhất là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang.

Thời gian tới, vùng sẽ đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn-Hà Nội, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Cùng với đó, thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng); triển khai xây dựng tuyến cao tốc Sơn La-Điện Biên, Bắc Kạn-Cao Bằng; xây dựng tuyến cao tốc kết nối Sơn La với đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai; nâng cấp cảng hàng không Điện Biên thành cảng hàng không quốc tế sau năm 2030.

Về phương hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp, Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Thái Nguyên, Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim; Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang trở thành trung tâm cơ khí, điện tử có trình độ cao; Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược chủ yếu tập trung tại Phú Thọ, Lào Cai và Bắc Giang.

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ban-dan-la-diem-nhan-trong-quy-hoach-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac/