Bán đảo Thanh Đa: Nơi niềm tin bị xói mòn
Hai mươi bảy năm bán đảo Thanh Đa nằm trong diện quy hoạch, người dân nơi đây vẫn không thấy hình bóng mình trong tiến trình phát triển của thành phố.
“Sau nhiều năm như thế này, các anh nghĩ chúng tôi còn có thể chờ đợi được bao lâu nữa?”, bà Ngô Thị Mai Xanh, một người dân bán đảo Thanh Đa đứng lên hỏi thẳng lãnh đạo quận Bình Thạnh và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM trong buổi họp lấy ý kiến người dân về Dự án quy hoạch đô thị Bình Quới - Thanh Đa vào tháng 11.2017. Hôm ấy, hội trường quận chật kín người dân trong vùng tham dự, không khí căng thẳng trước những bức xúc chịu đựng nhiều năm dài.
Đến tháng 7.2018, tại kỳ họp HĐND TP.HCM, trước ý kiến chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm dự án này, không để kéo dài thêm.
Nhưng rồi lại một năm nữa đã trôi qua...
“Bao lâu nữa?”
Sớm hơn cả Thủ Thiêm hay Thảo Điền, từ đầu những năm 1990, Thanh Đa đã trở thành khu đất vàng trong dự tính của chính quyền TP.HCM. Với vị trí đắc địa được sông Sài Gòn bao bọc, bán đảo rộng 427 hecta được kỳ vọng sẽ thành một “Việt Nam thu nhỏ”, một khu du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng triệu đô.
Năm 1992, TP.HCM chính thức ký quyết định quy hoạch nơi đây thành “khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng”.
Gần ba thập kỷ sau, nhà đầu tư đến rồi đi, tên dự án nhiều lần thay đổi, đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn nằm trên giấy.
“Hầu hết các quan chức đưa ra quyết định đều đã nghỉ hưu hoặc được lên chức. Còn người dân nơi đây vẫn ở bên rìa thành phố, điều kiện sống còn tệ hơn ở thôn quê”, bà Xanh nói, đến giờ bà vẫn giữ những quyết định về dự án của chính quyền cũng như những lá đơn kiến nghị.
Từng là tổ trưởng tổ dân phố, bà Xanh đã nhiều lần thay mặt người dân nêu ý kiến lên chính quyền địa phương và thành phố về nỗi khổ sống trong vùng quy hoạch treo và yêu cầu thành phố sớm giải quyết. Nhưng bà nói, những ý kiến thưa dần, vì không hiệu quả, người dân đành chấp nhận sống chung với nghịch lý: sống mòn trên đất vàng.
Thanh Đa cách trung tâm thành phố gần 7km, bờ bên kia là Thảo Điền với những biệt thự và cao ốc nhưng đường vào bán đảo đến giờ vẫn độc đạo, len lỏi bên trong là những con đường đất tù mù không đèn đường, chiều ngang không vừa xe cấp cứu.
“Đường ống lớn của hệ thống nước sạch cũng chỉ mới dừng lại ở đầu bán đảo. Mười mấy hộ dân phải dùng chung một đồng hồ nước chính, với giá nước lũy kế không dưới 15.000 đồng/m3”, anh Huy cho biết.
Anh Huy là thế hệ thứ ba trong gia đình sinh sống trên bán đảo. Bà nội của anh vừa qua đời. Bà chỉ mới kịp chứng kiến con đường trước nhà được người dân hùn tiền lại đổ bê tông sau mấy chục năm sình lầy. Quy hoạch ra đời khi cháu trai của bà chỉ mới chập chững tập đi, giờ anh đã kết hôn và có con nhỏ.
Căn nhà vợ chồng anh đang ở được bà nội xây từ năm 1968. Nó đã từng ở chỗ cao ráo nhưng giờ thì nằm dưới mặt đường hơn nửa mét. Tường đã xuất hiện nhiều vết nứt, sau khi trải qua nhiều trận lụt, nước ngập ngang nhà. Để tiết kiệm tiền nước, anh Huy chọn trữ thêm nước mưa vào lu sành, thùng nhựa. Nhưng để xây lại bức tường có vết nứt ngày càng dài kia, anh dường như bất lực.
“Chúng tôi như bị mắc kẹt ở đây, không đủ tiền để mua nhà nơi khác, bán thì không ai dám mua, còn ở lại thì không thể làm gì trên mảnh đất của mình” - anh Huy nói.
Quyết định quy hoạch đã vô hiệu hóa quyền tự quyết tài sản đất đai, ruộng vườn. Không thể tách thửa, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng, không thể xây sửa nhà, không thể thế chấp..., những nông dân Thanh Đa phải chấp nhận nghịch lý đứng tên đất nhưng không thể định đoạt số phận của nó.
Thanh Đa từng được xem là miền Tây giữa lòng TP.HCM khi nhiều năm trước, hầu hết người dân nơi đây sống bằng nghề trồng lúa, trồng sen. Tuy nhiên, những vụ mùa liên tiếp thất bát đã khiến nhiều người bỏ ruộng. Không còn canh tác nhưng cũng không thể chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, nông dân Thanh Đa đành bỏ mặc mảnh đất của mình.
“Đất của mình mà mình không thể tự do quyết. Nhưng ngồi đó, đợi chờ thành phố cởi treo thì làm sao sống”, bà Lủng nhớ lại ngày mẹ con bà dứt dạt xác định lại tương lai.
Nhà không được xây mới, bà bèn đắp nền một phòng trong nhà cao lên, rồi xây bậc tam cấp, phòng mỗi khi nước ngập, trẻ con vẫn có chỗ ngủ. Địa phương chưa sửa sang nâng cấp bờ kè lớn thì bà tự làm bờ kè nhỏ bao sân nhà. Bà sắm cả máy bơm phòng khi nước lâu rút. Đất không trồng lúa nữa nhưng nhất quyết không bỏ hoang. Không thể chuyển đổi thành đất thổ cư để bán hay xây nhà thì phải làm kinh doanh.
Người miền Tây lên đây thường chê Thanh Đa còn quê hơn quê họ. Nhưng với người thành phố, cảnh quê vẫn có sức hút thị trường.
Tính toán trước sau, bà Lủng bèn xây hồ, mở dịch vụ câu cá. Dẫu vậy, cuộc chuyển đổi sinh kế tưởng như hợp thời này của người nông dân vẫn không tránh khỏi những bất trắc.
Có lần, cá ngửa bụng chết trắng hồ mà bà nghi là do nước sông bị ô nhiễm. Thủy triều lên cao, bà lại thấp thỏm lo nước tràn vào, cuốn đàn cá thẳng ra sông như đã nhiều lần.
Quyết định năm 1992 là nút thắt trói chặt toàn bộ Thanh Đa, bó buộc cuộc đời của nhiều thế hệ cư dân bán đảo.
Không chỉ có “một Thanh Đa”
Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM diễn ra hồi tháng 7 năm ngoái, chủ đề quy hoạch treo được đưa ra mổ xẻ. Thanh Đa không phải là cái tên duy nhất được nhắc tới. Ở phía nam thành phố có Hưng Long - Bình Chánh, phía bắc có huyện Củ Chi, phía đông có ga Bình Triệu - Thủ Đức...
Những dự án được ngâm xuyên thập kỷ, qua nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố.
Hơn 1.000 quy hoạch đang treo lơ lửng ở TP.HCM, tạo nên những mảng xám trong bức tranh quy hoạch đô thị thành phố. Có những quy hoạch tồi tệ đã xảy đến, khi mà không phải một, mà là rất nhiều nhà đầu tư ứng xử theo cùng một cách: nhận dự án, “ngâm giấm”, bỏ dự án ra đi. Và chính quyền địa phương cũng hành xử theo cùng một cách: thu hồi dự án khỏi nhà đầu tư cũ, mời gọi một nhà đầu tư mới, lại thu hồi dự án khỏi nhà đầu tư kế tiếp...
Một quy hoạch thất bại đã diễn ra với khoản chi phí cơ hội khổng lồ thật khó đong đếm. Bán đảo Thanh Đa bị cô lập hoàn toàn khỏi sự đi lên không ngừng của đầu tàu kinh tế cả nước. Bản quy hoạch không chỉ treo tài sản đất đai, mà còn treo cả phúc lợi, hạ tầng, những dịch vụ công mà người dân đáng ra phải được hưởng đầy đủ.
Ở đó, giờ đây, chỉ còn những đồng cỏ hoang cao hơn đầu con trẻ, những ngôi nhà được vá víu lén lút và sự chờ đợt mỏi mòn. Có nhiều thứ đã biến mất khỏi nơi này.
Tại kỳ họp HĐND lần đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận để dân phải sống khổ như thế hơn 20 năm “cái này có trách nhiệm của các cơ quan chính quyền”, và cam kết sẽ giải quyết triển khai nhanh dự án ở Thanh Đa.
Đầu năm nay, lần đầu tiên, chính quyền TP.HCM tuyên bố sẽ tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Gần ba thập kỷ, bán đảo quay về... vạch xuất phát.
Nút thắt treo Thanh Đa sẽ sớm được gỡ nếu theo đúng lời của chính quyền thành phố. Nhưng như nhiều người dân nơi đây nói, họ đã quá già để bắt đầu lại ở một nơi chốn mới. Bà Xanh, bà Lủng, anh Huy hờ hững khi biết Thanh Đa sẽ sớm có nhà đầu tư mới.
Trong hơn hai mươi năm qua, họ đã chứng kiến và chờ đợi mỏi mòn quá nhiều lời hứa được tuyên bố.
Bài và ảnh: Bảo Uyên
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ban-dao-thanh-da-noi-niem-tin-bi-xoi-mon-20259.html