Bán đảo Triều Tiên đầu năm mới: Bình Nhưỡng công khai tham vọng, Seoul 'mất ngủ' tính kịch bản, Washington có thể 'ung dung'?
Tình hình bán đảo Triều Tiên đầu năm mới tiếp tục diễn biến căng thẳng khi Bình Nhưỡng có ý định mở rộng 'theo cấp số nhân' kho vũ khí hạt nhân.
Những nước cờ trên bàn cờ bất định
Theo hãng tin Reuters, ngày 2/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ không thảo luận về các cuộc tập trận hạt nhân chung với Hàn Quốc. Tuyên bố này mâu thuẫn với chia sẻ của người đồng cấp Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nói rằng Seoul và Washington đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có thể sử dụng các khí tài hạt nhân của Mỹ.
“Không” - ông Biden trả lời khi được các phóng viên tại Nhà Trắng hỏi liệu ông có thảo luận về các cuộc tập trận chung sử dụng các khí tài hạt nhân với Hàn Quốc hay không. Ông Biden vừa trở về từ kỳ nghỉ ở quần đảo Virgin thuộc Mỹ, đi cùng với ông còn có cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Những bình luận của ông Yoon Suk Yeol trong bài phỏng vấn được đăng báo ngày 2/1 được đưa ra sau khi ông kêu gọi chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất tại bán đảo Triều Tiên sau một năm ghi nhận số lượng kỷ lục các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và Bình Nhưỡng điều máy bay không người lái xâm phạm lãnh thổ của Hàn Quốc hồi tuần trước.
Phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc được công bố một ngày sau khi truyền thông Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un yêu cầu mở rộng “theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân của nước này và phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh hơn, trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa kết thúc năm 2022 bằng một vụ phóng tên lửa khác sau một loạt vụ thử vũ khí với số lượng kỷ lục trước đó.
Các động thái của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un phù hợp với định hướng chung về chương trình hạt nhân của ông. Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ tăng cường cả chất lượng và số lượng kho vũ khí của Triều Tiên để đối phó với Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng việc Chủ tịch Kim Jong Un thúc đẩy sản xuất thêm vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác báo hiệu ông có ý định tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí và cuối cùng là củng cố quyền lực đàm phán trong tương lai, giành được những nhượng bộ lớn hơn từ bên ngoài.
Theo Hãng thống tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), tại Hội nghị toàn thể mở rộng lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII kết thúc ngày 31/12/2022, ông Kim Jong Un cho rằng trong bối cảnh Mỹ muốn cô lập Triều Tiên, Bình Nhưỡng phải nỗ lực gấp đôi để tăng cường sức mạnh quân sự một cách áp đảo.
Tại hội nghị kéo dài 6 ngày nhằm xác định các mục tiêu mới, Chủ tịch Kim Jong Un cũng đề ra nhiệm vụ phát triển một ICBM mới có khả năng "phản công hạt nhân nhanh"-một vũ khí mà ông cần để tấn công lục địa Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn nói rằng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Triều Tiên sẽ được phóng "vào một ngày sớm nhất có thể".
Theo Yonhap, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bỏ bài phát biểu nhân dịp năm mới kể từ năm 2020, thay vào đó ông lựa chọn sử dụng những thông điệp quan trọng được đưa ra tại các hội nghị cuối năm của Đảng để công bố đường lối chính sách của đất nước trong năm mới.
Soo Kim, một nhà phân tích an ninh tại RAND Corporation có trụ sở tại California, nhận định: “Những phát biểu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong hội nghị vừa qua giống như một nghị quyết tham vọng nhưng có thể đạt được trong năm mới".
Tháng trước, Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện các cuộc thử nghiệm quan trọng cần thiết cho việc phát triển vũ khí chiến lược mới, có khả năng liên quan đến ICBM nhiên liệu rắn và một vệ tinh do thám. Ryu Sung-yeop, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quân sự của Hàn Quốc, đánh giá: “Có khả năng Triều Tiên sẽ phát triển một ICBM sử dụng nhiên liệu rắn. Triều Tiên có thể sẽ công bố ICBM này tại một cuộc duyệt binh được cho là đang chuẩn bị thực hiện”.
Liệu còn cánh cửa nào cho đối thoại?
Các nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã trao đổi qua điện thoại và nhất trí rằng những hành động của Triều Tiên sẽ chỉ càng khiến nước này bị quốc tế cô lập và thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tái khẳng định cánh cửa đối thoại với Triều Tiên vẫn để ngỏ.
Đưa tin về cuộc trao đổi này, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 1/1 dẫn lời các quan chức ở Seoul và Tokyo cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản đang xem xét việc chia sẻ thông tin radar về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên theo thời gian thực thông qua Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Theo Yonhap, động thái này có thể giúp các hệ thống theo dõi của Hàn Quốc và Nhật Bản bổ sung lẫn nhau. Hàn Quốc có vị trí tốt hơn Nhật Bản để phát hiện tên lửa của Triều Tiên vì nước này gần Triều Tiên hơn, trong khi Nhật Bản tốt hơn Hàn Quốc trong việc theo dõi các tên lửa đáp xuống vùng biển gần Nhật Bản hoặc ở Thái Bình Dương.
Nếu việc chia sẻ thông tin radar thành hiện thực, nó có thể giúp Nhật Bản biết về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn để cải thiện độ tin cậy của hệ thống đánh chặn và giúp nước này đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho người dân nhanh hơn. Hiện tại, Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ thông tin về tên lửa của Triều Tiên theo Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) - một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự, nhưng việc chia sẻ không phải là theo thời gian thực.
Tờ Yomiuri Shimbun cũng cho biết Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc chia sẻ thông tin như vậy giữa hai nước.
Những lo lắng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã gia tăng kể từ khi Triều Tiên cho thông qua luật mới cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu trong nhiều tình huống và đe dọa công khai sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Sáng ngày 1/1, Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Vụ bắn hàng loạt mới nhất này diễn ra 5 ngày sau khi Triều Tiên lần đầu tiên cho máy bay không người lái bay vào không phận Hàn Quốc kể từ năm 2017.