Bán đảo Triều Tiên: Khoảng lặng trước cơn bão

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã quyết định tạm thời không chấp thuận đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Triều Tiên về việc đưa thêm quân đến biên giới liên Triều.

Động thái này khiến nhiều người ngạc nhiên, cho dù suốt hơn 1 tuần qua, Bình Nhưỡng liên tục đe dọa Seoul. Không ai biết động cơ đằng sau quyết định này của ông Kim Jong-un là gì và giới chuyên gia cũng đang bất đồng ý kiến về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng ông Kim Jong-un cuối cùng đã thấu hiểu những nỗ lực chân thành của Hàn Quốc trong việc cấm những người đào tẩu từ Triều Tiên thả truyền đơn bởi hành động đó rõ ràng vi phạm thỏa thuận liên Triều.

Tuy nhiên, những người khác cho rằng Triều Tiên chỉ đơn giản là không thể quyết định phát động một cuộc đối đầu bởi họ hiểu rằng Hàn Quốc sẽ sẵn sàng đáp trả một cách quyết liệt.

Trong khi đó, một số người tin rằng tất cả những điều này có thể chỉ là "sản phẩm" của việc gây hoang mang cho Hàn Quốc, trong đó vai trò “người xấu” được giao cho em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong -un, còn bản thân ông Kim Jong-un đóng vai là một người bình tĩnh và khôn ngoan.

Tuy nhiên, GS Kim Dong-yup của Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc trường ĐH Gyeongnam lưu ý rằng, giả thuyết cuối cùng là không thể vì các hướng dẫn về việc phá nổ văn phòng liên lạc liên Triều, di chuyển quân đội đến biên giới và tổ chức các cuộc tuần hành lên án Seoul... trong hệ thống chính trị Triều Tiên không thể được đưa ra mà không có sự đồng thuận với người lãnh đạo cao nhất.

Theo ông, lý do thuyết phục nhất để giải thích việc ông Kim Jong-un tạm thời từ chối đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Triều Tiên là Bình Nhưỡng muốn xem xét phản ứng và hành động tiếp theo của Hàn Quốc như thế nào.

Tuy nhiên, không loại trừ việc điều chỉnh đường lối chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng xuất phát từ những cân nhắc nội bộ.

Lâu nay quan hệ liên Triều luôn trong tình trạng căng thẳng. Ảnh tư liệu

Lâu nay quan hệ liên Triều luôn trong tình trạng căng thẳng. Ảnh tư liệu

GS Kim Dong-yup nói: “Trong bối cảnh Bình Nhưỡng theo đuổi ý tưởng về “một cuộc đột phá trực diện” tập trung vào kinh tế, khiến họ phải gửi cả quân đội đến các công trường xây dựng, thì sự leo thang căng thẳng lên quá mức - có nguy cơ biến thành một cuộc khủng hoảng - có thể được coi là yếu tố tiêu cực. Để đảm bảo sự tham gia của người dân Triều Tiên vào chiến dịch “đột phá trực diện” trong lĩnh vực kinh tế, sự “đột phá” ra bên ngoài cần phải được điều chỉnh cả về cấp độ và tốc độ”.

Bình Nhưỡng cũng có thể tạm dừng các hành động gây hấn để tìm lý do nghiêm túc hơn cho việc chuyển sang chiến sự. Sau việc cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều và các chiến dịch chống Hàn Quốc quy mô lớn, tuyên bố đơn thuần về việc hoãn kế hoạch điều thêm quân tới biên giới sẽ không đủ để giải thích với công chúng tại sao họ lại được huy động.

Do đó, nếu chính phủ Hàn Quốc không chớp cơ hội này và không nhanh chóng thực hiện mọi thứ đã hứa hẹn, điều đó sẽ phát đi một tín hiệu tới Triều Tiên rằng, Hàn Quốc chưa rút ra được bài học và việc thể hiện sức mạnh là cần thiết.

Ngoài ra, chúng ta không nên quên rằng, ngoài việc trì hoãn các hành động quân sự, cuộc họp sơ bộ của Quân ủy Trung ương Triều Tiên còn có “dự thảo chính sách quân sự, báo cáo và quyết định sẽ được đệ trình lên phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 7, cũng như các tài liệu khác nhau phản ánh các biện pháp của chính phủ để tăng cường hơn nữa lực lượng quân sự của đất nước”.

Báo cáo đề cập riêng đến sự tham gia của Phó Chủ tịch Ủy ban Ri Pyong Chol, người chịu trách nhiệm về công nghiệp quốc phòng trong đảng.

GS Kim Dong-yup bình luận: “Mặc dù kế hoạch hoạt động chống Hàn Quốc của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Triều Tiên bị hoãn lại, nhưng các mục chương trình nghị sự còn lại rất có thể sẽ được thông qua. Và trong số đó, có lẽ đã có những câu hỏi về việc phát triển vũ khí hiện đại hóa tiềm năng quân sự, cũng như trình diễn vũ khí chiến lược mới, đã được thảo luận tại hội nghị Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 12-2019. Tùy thuộc vào thời điểm diễn ra phiên họp thứ 5 của Ủy nan Quân sự Trung ương, Triều Tiên có thể cân nhắc những kịch bản khác nhau của chiến sự.

Do đó, quyết định tạm hoãn nói trên có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho ra mắt tên lửa đạn đạo hoặc trình diễn vũ khí chiến lược mới, tức là hoạt động quân sự chống lại Mỹ. Và đó là trường hợp xấu nhất”.

Tuy nhiên, ông không phủ nhận mặt tích cực khi nói rằng sự thay đổi quan điểm của Bình Nhưỡng là do các liên hệ bí mật do Hàn Quốc chủ động để ngăn chặn tình hình xấu đi.

Tuy nhiên, cho đến ngày 25-6, Triều Tiên vẫn tuyên bố họ không có gì để nói với Seoul, thậm chí còn vi phạm đạo đức ngoại giao khi đề cập đến đề nghị bí mật đàm phán của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một đề nghị mà Bình Nhưỡng kiên quyết từ chối. Tất cả những điều này khiến người ta nghi ngờ về khả năng nối lại đối thoại liên Triều trong điều kiện hiện tại.

Ông Cheong Seong-Chang, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, nói: “Tôi cho rằng Triều Tiên sẽ hoàn toàn cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc, tìm cách duy trì, phát triển hơn nữa chế độ của mình qua việc tăng dần trao đổi nhân đạo, hợp tác kinh tế với Trung Quốc và Nga. Do đó, trong tương lai gần, sự xấu đi của mối quan hệ liên Triều là không thể tránh khỏi, bất kể chính phủ Hàn Quốc phản ứng thế nào”.

Theo ông, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - vốn là ưu tiên chính của Seoul đối với Triều Tiên - ban đầu đã là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Và do thất bại của các cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên năm 2019, mục tiêu này ngày càng trở nên phi thực tế.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-dao-trieu-tien-khoang-lang-truoc-con-bao-199360.html