Nhớ anh Lê Quang Đạo

Những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Quang Đạo (Trung tướng, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) được cấp trên tin tưởng cử làm Chính ủy nhiều chiến dịch nóng bỏng như: Đường 9 - Khe Sanh 1968, Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972… Từ chiến trường, đồng chí Lê Quang Đạo thường xuyên viết thư và nhật ký để ghi lại hành trình cùng những cảm xúc mình đã trải qua cùng đồng đội và gửi về cho vợ là nhà văn Nguyệt Tú (con gái lớn của danh họa Nguyễn Phan Chánh).

Tháng 12-1967, anh Lê Quang Đạo chuẩn bị đi Chiến dịch Đường 9- Khe Sanh. Dù anh không nói nhưng tôi biết anh sắp đi B khi nhìn thấy quân trang anh được phát. Tôi cẩn thận chuẩn bị hành trang cho anh. Tôi nghĩ rằng anh sẽ phải đi qua nhiều suối, nhiều sông. Chỉ đi đôi dép cao su thì không đủ. Tôi đi tìm mua cho anh một đôi bốt ở cửa hàng mậu dịch. Bấy giờ lại đang là mùa đông, cần có chiếc áo khoác kiểu bu dông, nhẹ mà ấm cho anh. Tôi tìm được cho anh chiếc áo mưa màu nâu đỏ bằng vinilông cho nhẹ.

Tuy hoàn cảnh giao thông lúc đó rất khó khăn nhưng vẫn có thể gửi thư từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội. Thư đầu tiên, anh Đạo nhờ các đồng chí giao thông đưa về, chữ viết rất nhỏ. Anh muốn lá thư mang đi đường sao cho thật nhẹ. Anh kể chuyện hành quân: “Anh như vậy cũng đã được thử thách vài chặng đường trèo đèo lội suối, kể cũng khá gay go đấy. Nhưng xét ra đôi chân vẫn còn tốt, ôn luyện lại cũng không lâu. Đi kịp anh em, lại được biểu dương là đi nhanh, đi khỏe nữa. Bộ đội, thanh niên xung phong nô nức nhau kéo đi như trẩy hội. Lớp thanh niên mới anh dũng, đáng yêu vô cùng. Qua đường họ chẳng biết anh là ai, một số chào: Bố ạ! Gặp một cậu chiến sĩ ở làng Phù Lưu gần làng mình, cậu ấy biết mình. Thế là họ bí mật giới thiệu nhau biết…”. Thư viết ngày 23-1-1968. Khi đọc thư tôi không biết rằng anh vừa thoát chết mấy hôm trước. Những chuyện gian khổ ác liệt anh ít kể trong thư.

 Nhà văn Nguyệt Tú và chồng - Trung tướng Lê Quang Đạo. Ảnh do tác giả cung cấp

Nhà văn Nguyệt Tú và chồng - Trung tướng Lê Quang Đạo. Ảnh do tác giả cung cấp

Một tháng sau, tôi nhận được bức thư anh viết ngày 22-2-1968, có đoạn: “Nhận được thư và chút quà ở đây có ý nghĩa thật lớn. Càng phấn khởi bao nhiêu càng cảm ơn các đồng chí đã trèo đèo lội suối qua hàng ngàn cây số dưới bom đạn địch mang đến cho. Thật là của một đồng công một nén. Các anh em cùng đi rất tận tụy dũng cảm, nhiều khi làm cho anh rất xúc động. Tuệ (tên thường gọi khác của nhà văn Nguyệt Tú - NBT), trong lúc gian khổ, nguy hiểm mới thấy hết tình đồng chí với nhau. Gian khổ nhưng thật lạc quan, vui tươi phấn khởi”.

 Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Mặt trận Đường 9-Khe Sanh kéo dài. Gần 7 tháng liền bộ đội ta vây hãm Tà Cơn. Mỹ hoàn toàn không biết đây là một chiến dịch nghi binh. Ngoài Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch, không ai biết nhiệm vụ chiến lược thực chất của mặt trận Đường 9-Khe Sanh. Mặt trận này có nhiệm vụ thu hút và giam chân càng nhiều càng tốt các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Sau này, anh Đạo nói với tôi: “Khe Sanh, đó là một đòn nghi binh chiến lược”.

Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Lê Quang Đạo tại Sở chỉ huy Chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu gia đình

Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Lê Quang Đạo tại Sở chỉ huy Chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu gia đình

Năm 1972, anh Đạo lại được phân công làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy, anh Lê Trọng Tấn là Tư lệnh Mặt trận. Suốt nhiều tháng giữ thành Quảng Trị, bộ đội ta hy sinh nhiều. Đơn vị bảo vệ thành cổ buộc phải rút lui sau 81 ngày đêm chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Ngày 23-10-1972, anh Đạo lên đường về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Anh đã ở Mặt trận Quảng Trị hơn 7 tháng. Tôi nhớ có lần anh Đạo nói với tôi: “Sau mỗi trận đánh, sau mỗi chiến dịch, có sự tổng kết đầy đủ, thẳng thắn, chân thành thì mới thấy được những sai sót, mới bớt được thương vong và đạt hiệu quả cao cho những trận đánh sau, chiến dịch sau. Dù biết rằng “đấu tranh thì tránh đâu” nhưng vẫn phải nói”.

Tưởng nhớ 25 năm ngày anh rời cõi tạm (7-1999 / 7-2024), tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc những dòng tâm sự do Chính ủy Lê Quang Đạo đã viết năm 1972 khi đang ở Mặt trận Quảng Trị mà tôi tìm được sau ngày anh mất:

Trang nhật ký ở Quảng Trị của đồng chí Lê Quang Đạo. Ảnh: TUẤN TÚ

Trang nhật ký ở Quảng Trị của đồng chí Lê Quang Đạo. Ảnh: TUẤN TÚ

(31-3): Hôm nay thắng lợi dồn dập. Diệt 3-4 đại đội địch. Diệt điểm cao 544 (10 giờ), diệt địch cứ điểm Đầu Mầu (13 giờ 10). Vây Động Toàn, địch nguy ngập. Tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở phía Tây, cái vỏ cứng bên ngoài đã vỡ gần hết. Ở phía Đông, quần chúng nổi dậy đồng loạt ở tất cả mấy xã, giải phóng toàn bộ khu vực bến sông Cửa Việt chỉ còn các vị trí Dốc Miếu, Quán Ngang, địch đương bị bao vây, 2 đại đội bảo an bị tiêu diệt. Pháo bắn vào Ái Tử cháy to. Bắn rơi 9 máy bay địch.

(3-4): Sáng nay, ta diệt nốt địch ở Mai Lộc. Diệt gần hết lữ đoàn 147, tên lữ trưởng cùng 25 tên nữa thoát khỏi vòng vây của ta trong đêm. Đến hôm nay ta đã diệt toàn bộ địch ở phía Tây, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ ở phía Bắc sông Cam Lộ, Cửa Việt. Đánh thiệt hại nặng trung đoàn 2, diệt 2/3 thiết đoàn 11, diệt và chiếm toàn bộ 12 trận địa pháo địch, thu và phá 110 khẩu pháo, diệt và bắt trên 100 xe tăng và bọc thép, giải phóng 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ và Khu tập trung Mai Lộc. Bắn rơi 45 máy bay (cả phá hủy). Thắng rất to. Không ngờ địch vỡ nhanh và tan rã như vậy.

(Ngày 4 đến 7-4): Địch chuyển sang phòng ngự, cố giữ ở tuyến Nam sông Đông Hà, tăng thêm lực lượng dự bị ra để cản bước tiến của ta. Rõ ràng ở hướng này, chúng phải đương đầu với lực lượng mạnh của ta và có nguy cơ có thể bị tiêu diệt và tan rã, lớn hơn nữa mất cả Trị Thiên Huế... Tối qua 6-4 trao đổi cùng anh Hải (Tấn), anh Cao (Khánh) thấy rằng phải có dự kiến đánh trận này, tiêu diệt quân địch ở Đông Hà-Ái Tử, La Vang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị rồi đánh trận nữa ở Mỹ Chánh, Đồng Lâm, địch mới vỡ lớn và sau đó ta có khả năng phát triển rất nhanh, giải phóng Thừa Thiên Huế. Nhưng cũng cần dự kiến nếu ta đánh chưa thật tốt, và các chiến trường khác thắng lợi cũng hạn chế. Thời gian kéo dài, địch có thể tập trung thêm quân ra đây. Cần có kế hoạch chủ động trong mọi tình huống, nhưng hết sức tranh thủ khả năng thứ nhất, giành thắng lợi lớn và phát triển nhanh nhất.

(10-4): Hôm qua như vậy là ta tấn công không thành công. Lấy được Phượng Hoàng (52) Tây Ái Tử, địch phản kích lấy lại mất. Phía Bắc, Trung đoàn 102 và 36 tấn công không thành công, không chiếm được mấy cao điểm 30, 35, 52 ở Tây Đông Hà, ta lại bị nó bắn hỏng 5 xe tăng và 3 xe cao xạ. Chỗ Sư đoàn 304 bị bắn hỏng 1 và lấy mất 1 tăng của ta.

Tình hình địch có thay đổi. Phải làm công tác tư tưởng với các đơn vị... Từ hôm chuẩn bị chiến dịch đến lúc nổ súng "ngày N" có lẽ chưa hôm nào căng thẳng bằng từ bữa qua đến nay. Chiều và tối nay mới thấy yên tâm hơn. Nhưng còn các đơn vị phải thông suốt nữa.

(28-4): Hôm nay về căn bản đã diệt được hết địch từ Đông Hà đến Lai Phước. Địch bị thiệt hại nặng là xe tăng và thiết giáp nhưng bộ binh địch, ta diệt không được nhiều và không gọn từng đơn vị lớn. Rất tiếc... Xe tăng ta đánh rất tốt. “Bạch tuộc” (mật danh của tổ hợp tên lửa chống tăng điều khiển bằng dây do Liên Xô chế tạo - NBT) đánh cũng rất tốt. Bộ binh nhiều đơn vị đánh tốt. Nói chung đều chiến đấu rất dũng cảm. Nhưng quá trình phát triển có lúc không nắm chắc địch, ta. Sư đoàn 308 đánh chưa thật linh hoạt, táo bạo, bộ đội còn ỷ lại vào tăng và hỏa lực của cấp trên.

(30-4): Địch chạy mất khỏi Ái Tử bằng cầu phao, anh em ta ở đó không biết. Tăng thêm lực lượng sang Nam sông Quảng Trị để thực hiện bao vây tiêu diệt địch ở Quảng Trị, La Vang. Nhiều hy vọng thắng lớn. Đề phòng tối nay địch chạy mất và phòng địch sẽ bốc bọn chỉ huy đi bằng trực thăng.

(1-5): Hôm nay, bộ đội ta tiếp tục xuất kích tiêu diệt địch trên đường Quảng Trị - Mỹ Chánh. Địch vẫn không giải tỏa được. Các đơn vị ta ở đây vừa ép vào Quảng Trị vừa tiến xuống Hải Lăng hiệp đồng với cánh phía Tây. Sáng sớm nay 2 máy bay trực thăng bốc bọn cố vấn Mỹ đi mất rồi... 14 giờ 30, ta giải phóng thị xã Quảng Trị.

 Quân giải phóng đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu, Quảng Trị, tháng 3-1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Quân giải phóng đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu, Quảng Trị, tháng 3-1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

(27-6): Hôm qua được tin địch chuẩn bị mở hành quân lớn nhằm phá cuộc tấn công của ta và chiếm bàn đạp có lợi hòng chiếm lại Quảng Trị. Đã hạ quyết tâm: Tiếp tục tấn công có trọng điểm thôi nhưng trọng tâm phải chuyển sang đề phòng sẵn sàng. Kiên quyết đánh bại cuộc hành quân mới của địch, tiêu diệt lớn quân địch sau đó phát triển tấn công.

(Ngày 4 đến 10-7): Tuần lễ vừa qua thật rất hồi hộp, đầy lo âu. Ta đánh ở hướng Đông và ở ngoài thị xã Quảng Trị rất anh dũng, phải nói là rất giỏi. Địch vẫn tiến sát tới thị xã và vùng ngoại ô thị xã. Hôm được tin địch vào được La Vang rồi, buồn quá, đêm không tài nào ngủ được. Đã bàn và điện báo cáo về Hà Nội kế hoạch tác chiến trong 3 tình huống. Cố gắng tranh thủ cho được tình huống 1 (giữ được Quảng Trị) và hết sức tránh tình huống 3, là tình huống xấu nhất, nhưng cũng cần dự kiến để trong tình hình nào cũng có kế hoạch trước, chủ động... Bộ đội bảo vệ Quảng Trị chiến đấu vô cùng anh dũng, lại đẩy lùi được các cuộc tấn công mới của địch, giữ vững các vị trí của ta.

(16 đến 18-7): Mấy ngày nay tình hình Quảng Trị lại trở nên rất căng thẳng. Nghe anh Song Hào cho biết, Quân ủy và BCT (Bộ Chính trị) thảo luận rất nhiều và có những nhận xét rất gay gắt. Lại một lần nữa có sự căng thẳng. Nghe tin anh Song Hào và anh Hai lên đường vào đây để truyền đạt chỉ thị của BCT.

(Tối 19-7): Được điện mới của BCT khẳng định quyết tâm đánh bại cuộc hành quân của địch.

(25-7): Hôm nay địch liên tiếp mở các đợt tấn công vào thành Quảng Trị. Tin Thùy báo cáo lúc 20 giờ địch đã chiếm làng Tri Bưu, ta không còn sức phản kích lấy lại. Địch đã ở sát đông bắc, đông và nam Thành cổ. Rất lo. Hội ý Bộ tư lệnh đề ra các biện pháp cấp bách để đối phó với tình hình. Nhưng tin trinh sát ta và pháo binh báo cáo, địch vẫn còn cách từ 150 đến 200m trở ra. Dù sao vẫn rất căng thẳng.

(28-7): Đón anh Song Hào và anh Trần Quý Hai. Nghe các anh truyền đạt chỉ thị của BCT và Quân ủy, nhất trí tất cả. Vấn đề bây giờ là làm sao thực hiện được.

(11-8): Được tin tình hình gay go, địch chiếm đầu cầu Quảng Trị, chiếm chùa Bà Năm, tiến đến góc đông nam thành 50m. Chiếm một số điểm ở tây thôn Thạch Hãn.

Nụ cười chiến sĩ Thành cổ. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Nụ cười chiến sĩ Thành cổ. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

(27-8): Hết hôm nay là vừa tròn 2 tháng đánh địch phản công ra Quảng Trị. Ta đã đánh cho địch thiệt hại nặng cả 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và dù, giữ được thị xã Quảng Trị, La Vang... Nhưng nhìn chung chưa thực hiện được kế hoạch, chưa có chuyển biến gì đáng kể. Sức bộ đội ta vẫn bị giảm đi. Hà Nội thì đang giục và nay mùa khô ở đây sắp hết, mưa đến nơi rồi.

(11 đến 14-9): Mấy ngày nay tình hình lại gay go. Địch mở đợt tấn công mới vào Thành Quảng Trị. Bộ đội bảo vệ thành chiến đấu cực kỳ anh dũng, pháo binh ta chi viện rất đắc lực. Hy vọng giữ vững được thị xã Quảng Trị rất mong manh. Vì tấn công không được, chỉ phòng ngự, chống giữ một cách bị động thì rất khó.

( 15, 16-9): Được điện của bộ đội ta ở thị xã xin rút. Tối và rạng sáng 16 được tin cơ quan chỉ huy và các đơn vị của ta đã rút hết khỏi thị xã. Đây là giờ phút căng thẳng nhất. Địch đã vào trong Thành cổ ở góc đông nam và đã uy hiếp sát cả 3 mặt thành, chỉ còn phía Tây thành, nhưng địch cũng đang cố tiến lên để bao vây, bịt đường rút của ta... Đã ra hết cả nhưng còn lại một số ổ chiến đấu chưa biết tin vẫn ở lại. Đã lệnh ngay cho tổ chức vào bắt liên lạc để đưa anh em ra hết. 80 ngày bom đạn thật ác liệt, anh em đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, đã làm tròn nhiệm vụ và thật xứng đáng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

(17-9): Điện Hà Nội tới tấp hỏi tin tức bộ đội ở Quảng Trị. Lệnh cho Sư đoàn 308 và 320 lập tức đánh vào thành từ phía bắc và phía nam để giải vây cho anh em... Tối nay được tin vẫn còn tiếng súng chiến đấu của một số anh em ta ở trong thị xã. Phải tìm cách đưa được anh em ra hết!...

Từ những trang nhật ký của Chính ủy Lê Quang Đạo, thì giờ phút căng thẳng, diễn biến liên tục ở chiến trường Quảng Trị kéo dài cho đến chiều 15-9-1972. Sau này, anh kể với tôi, đến thời điểm ấy, thị xã Quảng Trị bấy giờ đã chẳng còn gì, tan nát hết. Tiếp tục giữ nữa thì thương vong của ta hằng ngày khá cao và cũng không cần thiết phải giữ nữa. Anh luôn tự hào về những chiến sĩ của mình. Họ đã kiên trì chịu đựng bom đạn tập trung ở mức rất cao, tư tưởng, tình cảm không hề dao động, giành và giữ đến cùng từng bức tường thành cho đến phút nhận lệnh rút đi!

Nhà văn NGUYỆT TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nho-anh-le-quang-dao-783234