'Bàn đạp' để du lịch phát triển

Tỉnh Cà Mau đã và đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, kích cầu phát triển du lịch, trong đó xác định cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng. Việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ tạo 'bàn đạp' đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Theo định hướng, đầu tư phát triển du lịch của tỉnh thì TP Cà Mau được xác định là không gian du lịch trung tâm, đóng vai trò đầu mối, điều hòa hoạt động toàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều khu di tích và bia ghi danh, bia tưởng niệm có ý nghĩa về lịch sử, như: Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Hồng Anh Thư Quán (Phường 2), Ðình Tân Hưng (xã Lý Văn Lâm), Ðình thần Tân Thành (phường Tân Thành), Bia chiến thắng Bàu Thúi (xã An Xuyên), Nhà Dây thép (Phường 2), chùa Phật Tổ (Sắc Tứ Quan Âm cổ tự, Phường 4), Nghĩa trang 10 liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai (Phường 9)... Thời gian qua, thành phố quan tâm việc khai thác và trùng tu, cũng như có phương án vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa để thu hút sự quan tâm và định hướng phát triển du lịch.

TP Cà Mau được tỉnh xác định là không gian du lịch trung tâm.

TP Cà Mau được tỉnh xác định là không gian du lịch trung tâm.

Ông Trần Trường Nguyên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Cà Mau, cho biết, thành phố đã đầu tư xây dựng các tuyến đường đấu nối phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại các xã, phường ven nội ô (xã Tân Thành, phường Tân Thành), với tổng kinh phí đầu tư trên 150 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ tạo trục đường chính nối khu du lịch từ Quốc lộ 1 xuyên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, đi Bạc Liêu và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến tham quan du lịch tại TP Cà Mau.

Năm 2024, Cà Mau tổ chức thành công Giải Marathon - Cà Mau, Cúp PetroVietNam, với chủ đề “Điểm hẹn Cà Mau”. Đây là dịp giới thiệu vùng đất Cà Mau đến với du khách, bạn bè gần xa.

Năm 2024, Cà Mau tổ chức thành công Giải Marathon - Cà Mau, Cúp PetroVietNam, với chủ đề “Điểm hẹn Cà Mau”. Đây là dịp giới thiệu vùng đất Cà Mau đến với du khách, bạn bè gần xa.

Cùng với đó, thành phố đã lập quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng du lịch nông thôn, điểm du lịch cộng đồng, các điểm di tích lịch sử cấp tỉnh do thành phố quản lý. Trong giai đoạn từ 2023 đến tháng 7/2024, thành phố đã đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường về trung tâm xã, đường ấp, liên ấp, đảm bảo an toàn giao thông cho việc đi đến các điểm di tích.

Tại huyện Trần Văn Thời, năm 2024 huyện thu hút 194.493 lượt khách đến tham quan mua sắm, trong đó khách quốc tế 466 người, doanh thu ước đạt hơn 58 tỷ đồng, đạt 138,9% chỉ tiêu kế hoạch năm; tăng 67.538 lượt khách và hơn 20 tỷ đồng doanh thu so với cùng kỳ năm 2023. Ông Kiều Minh Tiếng, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, đạt được những kết quả trên là do hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác phát triển du lịch nói riêng được đầu tư xây dựng, nâng cấp thường xuyên, hình thành trục kết nối giao thông, như: Tuyến đường Tắc Thủ - hòn Ðá Bạc có Ðiểm Du lịch sinh thái Cà Mau - ECO; tuyến hòn Ðá Bạc - thị trấn Sông Ðốc - đầm Thị Tường có Cụm tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc (du lịch văn hóa, lịch sử) và đầm Thị Tường (du lịch sinh thái, trải nghiệm). Ðặc biệt là cầu qua sông Ông Ðốc được đưa vào sử dụng đã kết nối 2 bờ Nam - Bắc, thu hút khách du lịch đến từ các huyện: Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân... và các địa phương ngoài tỉnh.

Di tích Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc, cuối năm 1954 đầu năm 1955, tại bờ Nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) tạo điểm nhấn mới cho thị trấn biển.

Di tích Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc, cuối năm 1954 đầu năm 1955, tại bờ Nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) tạo điểm nhấn mới cho thị trấn biển.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, hiện tại hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo kết nối đến các điểm du lịch chính (Khu Du lịch Mũi Cà Mau, Khai Long, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hòn Ðá Bạc, đầm Thị Tường...) như: Tuyến Cà Mau - Năm Căn - Ðất Mũi; tuyến đường kết nối từ đường bờ Nam Sông Ðốc đến đầm Thị Tường; tuyến đường Ðông - Tây; cầu qua sông Ông Ðốc... cơ bản đảm bảo thuận lợi cho du khách tham quan các điểm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Tuyến đường Hồ Chí Minh về Ðất Mũi và tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, đây là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư và phát triển các khu, điểm du lịch. Song song đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ từng bước đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Hiện trên địa bàn tỉnh có 81 cơ sở lưu trú, trong đó có 4 cơ sở từ 3-5 sao.

Năm 2024, khách đến Cà Mau hơn 2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2023.

Năm 2024, khách đến Cà Mau hơn 2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2023.

Nhận diện hạn chế để đầu tư tương xứng tiềm năng

Dù có những bước tiến quan trọng, song, với góc nhìn tổng thể thì hạ tầng ở địa phương vẫn chưa thật sự tương xứng và đồng bộ với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Ông Kiều Minh Tiếng cho biết, trong những năm qua, công tác phát triển du lịch của huyện Trần Văn Thời dù đạt được kết quả khả quan nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng sự kỳ vọng so với vị thế và tiềm năng du lịch của huyện. Dù có đầu tư nhưng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, nhiều tuyến đường chưa được kết nối đồng bộ với các tuyến đường của tỉnh, như: Tuyến đường trục Bắc - Nam trung tâm huyện (đoạn thị trấn Trần Văn Thời - xã Trần Hợi - Tắc Thủ - hòn Ðá Bạc); tuyến đường trục Ðông - Tây (đoạn từ cống Kênh Hội, xã Khánh Bình - xã Trần Hợi - xã Khánh Hưng - đấu nối tuyến lộ đê biển Tây); trục lộ ven đầm Thị Tường (thuộc 2 xã Phong Lạc và Phong Ðiền).

Ðối với TP Cà Mau, dù là địa bàn trung tâm của tỉnh nhưng chưa có doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, một số di tích lịch sử - văn hóa đã xuống cấp (Hồng Anh Thư Quán, Nhà Dây thép...), giao thông nối các điểm du lịch xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, homestay...) thiếu đồng bộ, chưa thu hút du khách tham quan dài ngày. Ông Trần Trường Nguyên cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch ở địa phương cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Ông Trần Hiếu Hùng nhìn nhận, việc phát triển du lịch tại Cà Mau tuy có những gam màu sáng nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn để có thể phát triển đúng tiềm năng, lợi thế. Một số địa phương thiếu chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong việc xúc tiến xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng hiện có. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển du lịch chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Các khu vực tài nguyên du lịch sinh thái đều có liên quan đến đất rừng nên gặp khó khăn trong giao đất cho nhà đầu tư, làm hạn chế trong phát triển sản phẩm du lịch.

“Cái khó nữa cần được nhìn nhận, đó là kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; đường bộ chỉ cơ bản đáp ứng yêu cầu cho phát triển du lịch, một số tuyến đường kết nối điểm du lịch giới hạn tải trọng, chưa đảm bảo cho phương tiện vận chuyển khách du lịch của các công ty lữ hành tiếp cận”, ông Hùng cho biết thêm.

Một thực tế đã và đang diễn ra là, công tác đầu tư, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch tuy được quan tâm, nhưng do đây là công tác dài hạn, thực hiện phải theo lộ trình, không thể hoàn thành sớm. Có nhiều ý kiến cho rằng, công tác phát triển du lịch cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cần có sự đầu tư cân đối, hài hòa, để du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn./.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ban-dap-de-du-lich-phat-trien-a36859.html