Ban Duy tu Sở Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm như thế nào vụ nâng khống giá cây xanh?
Từ chuyện nhiều cán bộ thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội bị bắt liên quan đến việc nâng khống giá cây xanh trên địa bàn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Ban Duy tu Sở Xây dựng Hà Nội trong vụ việc này.
Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Xuân Hanh; Đỗ Quang Tiến; Đỗ Khắc Tú Anh; Nguyễn Thị Ngọc Lâm; Nguyễn Tuấn Nghĩa; Kiều Thị Thúy; Hoàng Đình Văn (Ảnh: Bộ CA)
Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội
Trúng loạt gói thầu "khủng", Công ty Cây xanh Hà Nội vẫn liên tục thua lỗ
Công ty Công viên cây xanh một ngày trúng hơn 1800 tỷ đồng tại Sở Xây dựng Hà Nội
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố nhiều cán bộ thuộc Sở Xây dựng TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội liên quan đến việc nâng khống giá cây xanh trên địa bàn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng.
Với mục tiêu quy hoạch Hà Nội trở thành một thành phố xanh, phát triển bền vững về môi trường, mỗi năm Hà Nội dành hàng nghìn tỷ đồng ngân sách chi cho dịch vụ công ích với việc thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị...
Tuy nhiên từ việc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước về ngân sách chi cho dịch vụ công ích, nói chung tại các đơn vị quản lý trên địa bàn Hà Nội và riêng tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng TP Hà Nội.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Đầu tư công nhằm nâng chất lượng xã hội một cách toàn diện, có hiệu quả. Thời gian qua, rất nhiều dự án đầu tư công đã gây lãng phí và làm thất thoát cho nhà nước rất nhiều, trong đó có các dự án về cây xanh. Việc phát triển cây xanh trên cả nước và riêng tại Hà Nội đã được quy định rất rõ và rất quan trọng trong nâng cao chất lượng môi trường sống.
PGS.TS. Bùi Thị An chia sẻ: "Chăm sóc cây xanh, thay thế cây xanh và trồng cây xanh ở Thủ đô là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vừa nâng cao thẩm mỹ, nâng cao chất lượng môi trường sống cho nhân dân Thủ đô theo chủ trương của Thành phố đặt ra. Trồng cái gì, chọn cây nào thì rất quan trọng và nếu chọn phù hợp sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho Thành phố và Hà Nội sẽ được phủ xanh rất đẹp, nhưng nếu chúng ta chọn cây không chuẩn sẽ gây nên lãng phí".
Hàng chục cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đã được di chuyển đi nơi khác vì không phù hợp. Ảnh: Sông Lam
Nói về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, PGS.TS. Bùi Thị An cho biết, ở đây vai trò của người đứng đầu duyệt các đề án rất quan trọng.
"Câu chuyện ở đây là lỗi quản lý, người duyệt các dự án trách nhiệm không cao, để cho các dự án trình lên chọn các loại cây không phù hợp về cả giá thành. Người phê duyệt, người giám sát thực hiện các dự án cũng phải có trách nhiệm. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm để cho đầu tư công mang lại hiệu quả thật cao nhất". - PGS.TS. Bùi Thị An nói.
Được biết, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trực thuộc Sở Xây dựng TP Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1106/QĐ-UBND ngày 14/2/2017 do ông Nguyễn Đức Chung (thời điểm đó là Chủ tịch TP Hà Nội) ký ban hành.
Ban duy tu có chức năng thực hiện các hoạt động duy tu, bảo trì thường xuyên, đột xuất các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: công trình công cộng, vệ sinh môi trường, thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng, công viên, cây xanh, vườn thú, hệ thống cấp nước cứu hỏa, …và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND TP và Sở Xây dựng giao.
Nhiều gói thầu lớn với những nhà thầu quen
Những năm qua Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng TP Hà Nội với tư cách là bên mời thầu và đại diện cho TP Hà Nội ký nhiều hợp đồng liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị...
Trong đó có thể kể đến 3 gói thầu lớn, với tổng giá hơn 1800 tỷ đồng được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt cùng một ngày (20/1/2020) cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội theo tờ trình của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Đô thị Sở Xây dựng Hà Nội.
Cụ thể, vào ngày 20/1/2020, ông Hoàng Cao Thắng (Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội) đã ký Quyết định số 59/QĐ-SXD phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu số 2, Quản lý, duy tu duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 4 quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và các tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp từ nguồn vốn Ngân sách thành phố Hà Nội. Giá gói thầu hơn 924,694 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội trúng thầu hơn 924,350 tỷ đồng, thấp hơn giá dự toán 343,979 triệu đồng (xấp xỉ 0,03%).
Cùng ngày, ông Hoàng Cao Thắng ký tiếp Quyết định số 60/QĐ-SXD phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 4: Quản lý, duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 08 quận còn lại (trừ 04 quận trung tâm) và nút giao Vành đai III với Quốc lộ 5; tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (địa phận Hà Nội); Đại lộ Thăng Long. Giá dự toán của gói thầu hơn 889,245 tỷ đồng, giá Công ty Công viên cây xanh trúng thầu hơn 888,940 tỷ đồng, thấp hơn giá dự toán 305,457 triệu đồng (0,34%).
Cũng trong ngày 20/1, ông Hoàng Cao Thắng tiếp tục ký Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu số 61/QĐ-SXD gói thầu số số 6: Cải tạo, trang trí cây hoa, trồng, thay thế cây tạo cảnh quan trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công. Giá thầu dự toán hơn 28,333 tỷ đồng, giá trúng thầu hơn 28,244 tỷ đồng (0,31%).
Cả 3 gói thầu đều nằm trong Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện cung ứng dịch vụ công ích lĩnh vực cây xanh trên địa bàn Thành phố năm 2020 do Sở Xây dựng tổ chức thực hiện theo phân cấp và sử dụng Ngân sách TP Hà Nội.
Nhiều gói thầu cây xanh có giá trị lớn tại Hà Nội
Ngoài ra, một nhà thầu khác cũng luôn trúng thầu tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành (Hà Thành CONINCO).
Như, Gói thầu số 2 Duy trì cây xanh, thảm cỏ và cắt tỉa cây bóng mát trên địa bàn huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Mê Linh thuộc Dự án Cung cấp dịch vụ công lĩnh vực cây xanh trên địa bàn Thành phố năm 2021 do Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội mời thầu, Liên danh Công ty CP Đô thị Việt Úc - Hà Thành CONINCO trúng thầu với giá 191,9 tỷ đồng, giảm 3,81% so với giá gói thầu (199,5 tỷ đồng).
Tại Gói thầu số 10 Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước một số khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội quy mô 236,9 tỷ đồng. Hà Thành CONINCO trúng thầu với giá 229,8 tỷ đồng, giảm 7,1 tỷ đồng so với giá gói thầu.
Hà Thành CONINCO tham gia liên danh trúng Gói thầu số 6 Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước ngõ, xóm quận Cầu Giấy thuộc Dự án Cung ứng dịch vụ công lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố năm 2021. Giá trúng thầu là 124 tỷ đồng, giảm 2,29% so với giá gói thầu (126,9 tỷ đồng).
Hay những năm trước đó, với tư các độc lập hoặc liên danh, Hà Thành CONINCO còn trúng thầu lớn tại Gói thầu số 2: Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố khu vực Tả sông Hồng với giá trị lên đến hơn 597 tỷ đồng.
Gói thầu số 8, quản lý, duy trì HTTN các tuyến phố trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm thuộc lưu vực hữu sông Nhuệ và toàn bộ HTTN ngõ, xóm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, giá trị hơn 166 tỷ đồng...
Năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Đức Chung đã đề ra mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện mục tiêu này, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội được phép trồng khoảng 35 chủng loại cây.
Theo báo cáo của Hà Nội, tính đến hết năm 2017, thành phố đã trồng được gần 500 nghìn cây xanh, trong đó có gần 40 nghìn cây xanh đô thị, 50 nghìn cây hoa, cây cảnh, gần 40 nghìn mét vuông các loại cây mảng hoa, cây thảm...
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 năm qua, thành phố đã trồng được 1 triệu cây xanh với kinh phí 256 tỉ đồng.
Tháng 1/2020, ông Nguyễn Xuân Hanh (SN 1973), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 20/1/2020, thay người tiền nhiệm là ông Vũ Trung Kiên; Thời hạn bổ nhiệm 5 năm.