Bàn giải pháp căn cơ giúp nền kinh tế phát triển bền vững

Thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các đại biểu Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả đưa nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Theo đại biểu, thời gian qua, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Điển hình, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì hiện nay trên phạm vi toàn quốc có hơn 743 triệu mét vuông đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, song số tiền thu được rất thấp - chỉ có 286 tỷ đồng. Mặt khác, mới chỉ qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000ha đất. "Ở khía cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước, chính lối tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí đất đai rất lớn" - đại biểu chỉ rõ.

Cũng theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, qua giám sát cho thấy, bên cạnh rất nhiều địa phương đang tích cực thu hồi đất hoang hóa, vẫn còn những nơi cứ sau mỗi một nhiệm kỳ số lượng các dự án treo lại tăng thêm. Mặt khác, đang có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai, có biểu hiện lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật về đấu thầu giao đất không qua đấu giá.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai mong muốn, chính quyền cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai, cần đưa ra lộ trình, thời hạn cụ thể; xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng để bảo vệ những người trong bộ máy công quyền. "Đó là cơ sở để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ.

Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào vòng xoáy của lạm phát và suy thoái, Việt Nam vẫn vững vàng vượt lên và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kinh tế vĩ mô ổn định. "Những thành công có được không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Dự báo năm 2023, kinh tế thế giới có nguy cơ đối mặt với thách thức của vòng xoáy lạm phát và suy thoái, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất, ngay từ bây giờ phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Mặt khác, phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp để đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang và hạn chế khởi công mới; dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh...

Giải quyết hiệu quả câu chuyện nguồn nhân lực

Quan tâm đến vấn đề phát triển khoa học - công nghệ (KH - CN), nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là lĩnh vực thị trường KH - CN, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, tạo sản phẩm khoa học có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, làm phong phú thị trường KH - CN.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức KH - CN như: giao thêm nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu, tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường KH - CN. Mặt khác, cần đổi mới cơ chế tài chính, thanh toán, quyết toán, đấu thầu các nhiệm vụ KH - CN cho phù hợp với thực tiễn. Ưu tiên đầu tư mạnh mẽ thêm cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Còn theo ĐBQH Dương Minh Ánh, Chính phủ cần quan tâm nâng cao chế độ, chính sách tiền lương đối với giáo viên; tiếp tục xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương, cho phép các địa phương được tuyển dụng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới để lực lượng này tự nâng cao năng lực bản thân, đạt tiêu chuẩn mới vào năm 2030. Đồng thời, cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí thì bày tỏ lo lắng trước thực trạng nhân lực ngành y tế chuyển khỏi khu vực công; mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn... Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho các bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.

Bài và ảnh: PHI LONG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ban-giai-phap-can-co-giup-nen-kinh-te-phat-trien-ben-vung-i305546/