Bàn giải pháp 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối 'chắp cánh' cho DN tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tham gia vào thị trường toàn cầu
Đánh giá về khu vực DN nhỏ và vừa, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian qua, các DN nhỏ và vừa đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, với lực lượng đông đảo chiếm đến khoảng 98% tổng số DN, bộ phận DN nhỏ và vừa hiện đóng góp gần 50% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 35% thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho khoảng 50% lực lượng lao động trong xã hội...
“Những con số trên thể hiện rất rõ vai trò quan trọng của các DN nhỏ và vừa đối với nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới” - bà Hằng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về sự phát triển của khu vực DN này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, quá trình hội nhập quốc tế không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận nhiều thị trường nước ngoài, mà còn thúc đẩy họ nâng cấp năng lực sản xuất, đổi mới mô hình kinh doanh, thích ứng với các tiêu chuẩn khắt khe toàn cầu, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội rộng mở, theo ông Nam, các DN cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình tham gia vào thị trường toàn cầu, bắt nguồn chủ yếu từ những hạn chế nội tại của DN. Đó là, phần lớn DN có tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế; trình độ công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo hạn chế, năng suất lao động còn thấp, thiếu đội ngũ pháp chế chuyên nghiệp…
Từ góc độ ngành hàng, ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cũng chia sẻ góc nhìn tương đồng khi chỉ ra những thách thức mà các DN xuất khẩu nhỏ và vừa của Việt Nam đang phải đối mặt. Theo ông Long, nhiều DN vẫn chưa nắm vững các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thiếu hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán kinh doanh và văn hóa tiêu dùng của các thị trường quốc tế. Chính những hạn chế này khiến DN dễ gặp rủi ro trong quá trình thâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài.
Không những thế, khả năng kết nối với khách hàng quốc tế của các DN nhỏ và vừa cũng còn rất hạn chế. Lấy ví dụ từ ngành chè, ông Long cho biết, hiện nay, xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Pakistan đang tăng trưởng mạnh mẽ, với sản lượng đạt khoảng 40.000 - 50.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn các DN chè của Việt Nam vẫn chủ yếu giao dịch thông qua thương lái trung gian, thay vì trực tiếp kết nối và đàm phán với các nhà nhập khẩu chè của Pakistan.
“Việc trực tiếp tiếp cận và đàm phán với các đối tác nhập khẩu chè của Pakistan là điều vô cùng khó khăn đối với các DN nhỏ, do họ không có đủ nguồn lực và mối quan hệ để xây dựng kênh kết nối trực tiếp với khách hàng quốc tế” - ông Long bày tỏ.
Phát huy vai trò “cầu nối” của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp
Từ những thách thức mà các DN phải đối mặt trong quá trình tham gia vào thị trường toàn cầu, đại diện nhiều hiệp hội DN cho rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng DN trong nước được xem là “chìa khóa” để DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định chỗ đứng, vị thế trên thị trường quốc tế.
Theo đó, đưa kiến nghị đến các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông Tô Hoài Nam bày tỏ mong muốn, các cơ quan đại diện Việt Nam tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin về thị trường, đối tác nước ngoài tiềm năng, qua đó tạo điều kiện để các DN Việt có thể nắm bắt được nhu cầu, điều kiện của các thị trường nhập khẩu và tiếp cận thị trường một cách tốt nhất, giảm thiểu được tối đa rủi ro gặp phải.
Cùng với đó là hỗ trợ các DN Việt giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối tìm kiếm khách hàng, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan chức năng sở tại; cũng như hỗ trợ DN thương thảo hợp đồng, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc phát sinh với các đối tác nước ngoài (nếu có)…
“Nếu có sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp các DN nhỏ và vừa có thể khai khác, mở rộng được thị trường nước ngoài, gia tăng mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu thì tốc độ tăng trưởng của DN nhỏ và vừa trong giai đoạn 2025-2030 có thể nhanh gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2014-2024” - ông Nam nói.
Từ ngành hàng nhôm, bà Lý Thị Ngân - Chánh Văn phòng Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cũng đồng quan điểm và nhấn mạnh việc có được thông tin về các thị trường nước ngoài một cách đầy đủ, toàn diện, liên tục được cập nhật được xem là tài sản đối với tất cả các DN xuất khẩu và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của DN.
“Vì vậy, đối với ngành nhôm, chúng tôi mong rằng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về chính sách của các thị trường nhập khẩu như các biện pháp chống bán phá giá..., để giúp các DN, ngành hàng trong nước nắm bắt được tình hình và có biện pháp ứng phó phù hợp” - bà Ngân nói.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Global Food bày tỏ, khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu, sự cạnh tranh của DN không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đó còn thể hiện năng lực cạnh tranh chung của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân DN, sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp các DN thâm nhập ngày càng sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Trước những đề xuất của các hiệp hội, DN, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, trong những năm gần đây, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ đất nước, với phương châm lấy địa phương, DN và người dân làm trung tâm phục vụ.
Để hỗ trợ cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa tận dụng hiệu quả những lợi thế, cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, những việc Bộ Ngoại giao có thể làm ngay là Bộ sẽ xây dựng bảng thông tin mà ở đó có tất cả các đầu mối liên hệ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các đầu mối liên hệ của các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao liên quan như Vụ Kinh tế đa phương, Vụ Tổng hợp kinh tế... Có những đầu mối này, các DN có thể liên hệ trực tiếp, trao đổi cụ thể trên tinh thần các cơ quan sẽ sẵn sàng sát cánh cùng DN.
Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu thiết lập cơ chế định kỳ trao đổi hàng tháng hoặc hàng quý giữa Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các DN với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, để xây dựng những chương trình hợp tác cụ thể hoặc trao đổi, giải đáp những vấn đề DN quan tâm, kiến nghị.
Cũng theo bà Hằng, DN nhỏ và vừa có số lượng rất lớn nên các vấn đề hỗ trợ cần được tổng hợp một cách khoa học để xây dựng được các chương trình hỗ trợ DN đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng lĩnh vực Bộ Ngoại giao có thể phát huy và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể làm được.
“Bộ Ngoại giao và mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng cộng đồng DN để thúc đẩy sự phát triển của DN, giúp DN tham gia sâu hơn và bước lên những “nấc thang” cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của đất nước, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới” - bà Hằng nhấn mạnh./.