Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với kinh doanh nông sản nhập khẩu
Ngày 3/6, tại thành phố Lạng Sơn, Tổng cục Thuế tổ chức hội thảo với chủ đề 'Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu khu vực miền Bắc'.
Dự hội thảo có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Thuế; lãnh đạo các cục thuế các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội; lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn.
Theo báo cáo tại hội thảo, trong 2 năm 2022-2023, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản của các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh trị giá 33,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng nhập khẩu chính trong giai đoạn 2022-2023 là ngô, lúa mì, hạt điều, sắn, đậu tương, thịt trâu, bò…
Trong giai đoạn 2022-2023 có tổng cộng 8.776 mã số thuế có phát sinh hoạt động nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh; số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hàng hóa dịch vụ bán ra nội địa là 37.340 tỷ đồng; tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 41.757 tỷ đồng.
Qua phân tích tổng quan số liệu của các doanh nghiệp phát sinh nhập khẩu nông sản trong năm 2022-2023 cho thấy: có tình trạng các doanh nghiệp phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn hơn doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra, thậm chí nhiều doanh nghiệp không kê khai doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra; các doanh nghiệp này thường có doanh số bán ra lớn ngay trong năm đầu tiên ra kinh doanh nhưng thường đăng ký phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng, đến khi cơ quan thuế đề nghị thực hiện chuyển đổi theo phương pháp khấu trừ thì chỉ hoạt động cầm chừng, xin nghỉ kinh doanh có thời hạn hoặc xin đóng mã số thuế, sau đó sẽ tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới để đăng ký kê khai theo phương pháp trực tiếp…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nông sản nhập khẩu. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác quản lý thuế, chống thất ngân sách đối với hoạt động kinh doanh nông sản nhập khẩu trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là xây dựng công cụ hỗ trợ cơ quan thuế các cấp đối chiếu dữ liệu mà người nộp thuế thực tế nhập khẩu phát sinh tại cơ quan hải quan và dữ liệu người nộp thuế kê khai trên tờ khai thuế giá trị gia tăng; thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhập khẩu có rủi ro cao về thuế; tiếp tục theo dõi tình trạng hoạt động, phân tích tình hình kê khai của các doanh nghiệp trong danh sách người đại diện có từ 2 doanh nghiệp trở lên mà tất cả doanh nghiệp đều đang hoạt động bình thường để có giải pháp quản lý thuế đối với nhóm doanh nghiệp này…