Bàn giải pháp phát triển cây cam, quýt và cải tạo vườn tạp

Sáng 23.4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo kết quả tiến độ triển khai Đề án phát triển cây cam, quýt bền vững tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và xây dựng Đề án cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020- 2025. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp &PTNT đã trình bày tóm tắt tiến độ triển khai Đề án phát triển cây cam, quýt. Trong đó, tập trung làm rõ mục tiêu của đề án đó là: Đánh giá đúng thực trạng, xây dựng hệ thống số liệu cơ bản về cây cam, quýt, xây dựng định hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp để đầu tư phát triển theo hướng bền vững, ổn định, ứng dụng kỹ thuật cao; từ đó hình thành các vùng trồng cam, quýt an toàn với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường; đưa ra các giải pháp cải tạo đất và bố trí cơ cấu cây trồng, đưa cây cam trồng tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đối tượng đề án hướng tới là các gia đình đã và đang trực tiếp trồng cây ăn quả có múi tại 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận hội nghị

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những ý kiến, kiến nghị vào Đề án như: Xây dựng khu vườn cam, quýt mẫu có diện tích từ 20-50 ha, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; đánh giá, phân loại lại các diện tích cam già cỗi để chuyển đổi, cải tạo; nên tiến hành đánh giá hiệu quả trước khi triển khai đề án..

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao những nội dung các sở, ngành đã đóng góp vào xây dựng đề án. Đồng chí nhấn mạnh: Đối với Đề án phát triển cây cam, quýt cần xây dựng bản đồ cam, quýt cho từng vùng, phát triển gắn với du lịch; cần bổ sung tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; phân tích dự báo thị trường, chế biến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khắc phục những hạn chế của sản phẩm như mẫu mã xấu, nhiều hạt, chua, dễ hỏng; nghiên cứu giải pháp xây dựng vườn cam, quýt mẫu. Các sở, ngành có liên quan phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và báo cáo cụ thể: Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTTNT xây dựng thị trường, chế biến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; Sở Khoa học và Công nghệ chủ động xây dựng kế hoạch chỉ dẫn địa lý; Hội Nông dân huy động hội viên tham gia đề án…

Đối với Đề án cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao cho các sở, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết về các tiêu chí, cách làm, giải pháp thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh phạm vi thực hiện là các hộ nông dân tại các xã đạt chuẩn Nông thôn mới; toàn bộ khu vườn mẫu, cải tạo vườn tạp phải có tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, gắn với cảnh quan môi trường, đảm bảo thu nhập; cán bộ hướng dẫn thực hiện đề án phải được đào tạo, tập huấn; các hộ được lựa chọn phải có đủ điều kiện. Vấn đề xử lý môi trường như rác thải cần được chú trọng. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ.

Tin, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202004/ban-giai-phap-phat-trien-cay-cam-quyt-va-cai-tao-vuon-tap-759099/