Hồi sinh nguồn lực trăm nghìn tỷ 'trùm mền'
Lãng phí không chỉ gây thiệt hại hơn tham nhũng mà còn gây bức xúc xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân, làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước. Vậy nên, một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để khơi thông nguồn lực đất đai, tài sản đang 'đắp chiếu', 'trùm mền' trong các bản án, các kết luận thanh tra, kiểm tra…
Tiếng “trống lệnh”
Khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết rất bức xúc về tình trạng lãng phí. “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ. Nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”, Tổng Bí thư nói.
Từ đó, theo Tổng Bí thư, phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu bảo "tôi đang làm nhưng vướng, thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó”. “Vụ án kết thúc rồi, người vi phạm đưa ra xử lý rồi thì cũng phải có xử lý, vì đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của nhân dân. Làm sao đừng để dân bức xúc. Cái này tỉnh làm, hay Trung ương, hay bộ, ngành nào làm, phải có địa chỉ. Nếu của Nhà nước cũng phải có cơ quan đứng ra", Tổng Bí thư, nhấn mạnh.
Tổng Bí thư "điểm danh" những dự án rất cụ thể, như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM, trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TPHCM “vẫn phải chịu ngập lụt”. “Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí”, Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư đồng thời cũng nhắc đến 2 dự án bệnh viện ở Hà Nam (Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2), được Nhà nước bỏ tiền ra xây chục năm rồi vẫn "treo", không đưa vào sử dụng, rất lãng phí... "Kể ra nhiều lắm, ruộng đất quý thế nhưng cứ để cỏ mọc lãng phí, chả biết của ai, nếu do chính sách thì cần xem lại chính sách", Tổng Bí thư nêu.
"Lãng phí thời gian dẫn đến lãng phí cơ hội, chính là lãng phí tiền bạc, vì có những cơ hội chỉ đến trong một khoảng thời gian nhất định, trong một khoảnh khắc nhất định", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Trước đó, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp…
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Tại họp báo của Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mới đây, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Công tác rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn, cho thấy: Có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp, than, khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp …
“Chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng lòng chống lãng phí
Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quan điểm chỉ đạo quyết liệt chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, Tổng Bí thư đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
“Có thể nói, đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội”, bà Hoa nói.
Bà Hoa chia sẻ, một chuyên gia nước ngoài đã nhận định, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại.
"Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ.
“Tôi thiết nghĩ rằng nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa bày tỏ.
Hồi sinh các dự án "trùm mền"
Ở một góc độ về chống lãng phí, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhấn mạnh, các dự án “đắp chiếu”, “trùm mền” hiện nay “không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng”. Tuy nhiên, hệ quả không chỉ là những con số về mặt tài chính mà còn làm lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước, lãng phí niềm tin của nhân dân.
Vị đại biểu này đồng thời dẫn chứng ra các dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hay hàng nghìn, hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cũng như các công trình dự án xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong...
Dù nguyên nhân đến từ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, theo ông Thông, đây cũng là của cải, là nguồn lực của xã hội, là của đất nước. “Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa ra các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống chính là đồng hành, là kiến tạo để cho sự phát triển của đất nước, chứ không phải là hợp thức hóa các sai phạm”, ông Thông nói.
Từ đó, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, những công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay để tháo gỡ.
Đồng thuận cùng Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp “hồi sinh” các dự án nghìn tỷ nằm “đắp chiếu”, lần đầu tiên, Quốc hội đã đưa vào chương trình và xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra và, bản án tài sản, vật xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội, nhiều vụ án lớn có tính chất phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, có những vụ kéo dài từ 1-2 năm, thậm chí dài hơn, dẫn đến các vật chứng là nhà xưởng, thiết bị, máy móc, phương tiện hầu như bị hỏng, không thể sử dụng được, chỉ còn là đống sắt vụn, gây lãng phí và thiệt hại lớn cho các bên đương sự. Ông Chính viện dẫn vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai trước đây, có thiết bị y tế 40 tỷ đồng bị phong tỏa, kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận, phải bỏ không.
Đề cập đến các biện pháp xử lý vật chứng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên- Huế) viện dẫn việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, nhiều dự án bất động sản, tài sản như các vụ án Phan Văn Anh Vũ, FLC, AIC, Việt Á, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và nhiều vụ án khác. Trong khi đó, việc xử lý phải chờ thời gian tiến hành tố tụng đối với vụ việc, vụ án hàng năm trời mới có thể xem xét, quyết định dẫn đến vật chứng, tài sản bị thu giữ bị “đóng băng”.
“Chính điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực. Chỉ tính lãi suất ngân hàng gửi 1.000 tỷ đồng thì lãi suất 1 năm phải có 60 tỷ đồng. Chưa kể các dự án không hoạt động gây lãng phí, mất cơ hội kinh doanh và tài sản bị mất giá trị”, đại biểu nói.
“Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa ra các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống chính là đồng hành, là kiến tạo để cho sự phát triển của đất nước, chứ không phải là hợp thức hóa các sai phạm”, - đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận).
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng cho rằng, lãng phí nhiều khi rất lớn và thiệt hại lớn hơn cả những hậu quả từ tham nhũng. Theo ông, những dự án, những bất động sản, những tài sản rất lớn để đóng băng kéo dài khi quy định tố tụng chưa cho phép xử lý, đây là điều rất đau xót.
Vậy nên cả ông Tiến và các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ việc xem xét thông qua dự thảo nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra và, bản án tài sản, vật xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mới đây, Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Ban Chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc, đang “đắp chiếu” cả chục năm nay, trên cơ sở đó sẽ phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của nhà nước để tìm ra cách xử lý.
“Nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế. Hiện chúng tôi mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỷ, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đắp chiếu không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp ngay cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Hà Nội lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Sáng mai (20/11), Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của Ủy ban nhân dân thành phố. Việc thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban được kỳ vọng sẽ xử lý rốt ráo các dự án đang chậm tiến độ, các dự án bị bỏ hoang nhiều năm, trước hết là các công viên trên địa bàn thành phố để sớm đưa các dự án này vào hoạt động.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoi-sinh-nguon-luc-tram-nghin-ty-trum-men-post1692923.tpo