Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo tăng trưởng về chăn nuôi

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch bệnh động vật nhằm đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành Chăn nuôi trong năm 2021. Qua đó đưa ra nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, an toàn nhất cho người chăn nuôi phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN: Chung tay khắc phục khó khăn, đảm bảo mục tiêu của ngành

Trong 8 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực, trong đó chăn nuôi và thủy sản chiếm tỉ trọng 49,45%. Đàn vật nuôi phát triển khá với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm, 26,67 triệu con heo, hơn 6,3 triệu con bò và 2,8 triệu con dê, cừu. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỉ quả… Đây là kết quả rất tích cực.

Năm nay, ngành Chăn nuôi đặt mục tiêu sản xuất 6,2 triệu tấn thịt và khoảng 16 tỉ quả trứng… Khối lượng còn phải thực hiện khá nhiều. Trong khi đó, hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành kinh tế trong đó có nông nghiệp, làm ứ đọng, ách tắc trong lưu thông, thiếu thốn nhân lực và vốn sản xuất… đẩy chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá đầu ra thấp, dẫn đến nguy cơ thiếu lương thực thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đạt được mục tiêu đã đề ra, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, xây dựng lại chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới.

Về phía các địa phương phải có phương án điều chỉnh sản xuất trong tình hình dịch COVID-19 để vừa phát triển sản xuất, vừa đảm bảo an toàn xuất khẩu hàng hóa; đồng thời đảm bảo chu kỳ sản xuất mới nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

ÔNG NGUYỄN VĂN LONG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y: Tăng cường kiểm soát, khống chế dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã xảy ra khá nhiều trên đàn vật nuôi, với nhiều loại bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, heo tai xanh, viêm da nổi cục, cúm gia cầm… Tính đến nay, cả nước đã phải tiêu hủy 94.000 con heo, 25.000 con trâu, bò, 400.000 con gia cầm, ước thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm của người dân.

Hiện trên cả nước, nhiều loại dịch bệnh vẫn còn đang xảy ra. Cụ thể, cúm gia cầm xuất hiện tại Cao Bằng và Lạng Sơn; dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 33 tỉnh thành; lở mồm long móng đang diễn ra tại Thái Nguyên; viêm da nổi cục gây dịch tại 32 tỉnh, thành. Cùng với đó, hiện nay thời tiết tại nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp, công tác chống dịch bệnh động vật bị ảnh hưởng khá nhiều do dịch COVID-19, cộng với việc lưu thông, mua bán, giết mổ và tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh trong dịp cuối năm nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát thời gian tới là rất cao. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi trong đợt sản xuất cuối năm.

Vì vậy, các địa phương cần quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp như chủ động bố trí kinh phí để phòng chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; hướng dẫn chủ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán, giết mổ động vật. Phía cục sẽ có các đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ các địa phương đang có dịch để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.

PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI NGUYỄN VĂN TRỌNG: Có biện pháp ổn định sản xuất trong tình hình mới

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, ngành Chăn nuôi cơ bản cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân trong cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm từ 30-50%, dẫn đến việc ứ đọng sản phẩm, giá tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi giảm sâu trong các tháng gần đây. Hiện heo hơi chỉ khoảng 50.000-58.000 đồng/kg, gà công nghiệp 18.000 đồng/kg, thấp dưới giá thành sản xuất; vì vậy, các trại ấp nở gia cầm đã giảm công suất khoảng 70%. Cũng do ứ đọng sản phẩm nên các cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi gặp khó về nguồn vốn trong tái sản xuất trong thời gian tới.

Để tạo điều kiện cho ngành Chăn nuôi duy trì sản xuất đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, Cục Thú y đang triển khai chiến lược chăn nuôi trong tình hình mới với việc phát huy thế mạnh của từng vùng. Các tỉnh, thành rà soát chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất để xây dựng phương án tổ chức sản xuất cụ thể cho tình huống đã khống chế được dịch COVID-19. Các địa phương này sẽ chủ động và đẩy mạnh sản xuất để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt của các tỉnh, thành còn đang giãn cách xã hội.

Các địa phương sớm rà soát lại việc thực hiện 3 tại chỗ, với những quy định phù hợp cho việc đi lại phục vụ hoạt động giết mổ, chế biến; đồng thời tăng cường thực hiện mô hình an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển, lưu thông sản phẩm đầu vào, đầu ra của ngành chăn nuôi.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT ĐÀO LÝ NHĨ: Nỗ lực xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Với nhiều nỗ lực của các ngành chức năng, địa phương, đến nay, hầu hết các loại dịch bệnh đều được khống chế. Toàn tỉnh chỉ còn xảy ra dịch viêm da nổi cục ở bò với 133 con đang phải điều trị, còn lại đều đã khỏi bệnh. Hiện tỉnh tiếp tục phát triển chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt.

Các loại vật nuôi ưu tiên phát triển gồm bò, heo, gà và các vật nuôi có lợi thế vùng như: trâu, dê, vịt, chim cút và chim yến nhằm tạo ra sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên với đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình khiến việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn nên tỉnh đang định hướng chuyển đổi dần sang chăn nuôi quy mô trang trại và công nghiệp.

Tính đến nay, Phú Yên có 173 trang trại chăn nuôi gồm 33 trang trại nuôi trâu, bò, 69 trang trại heo, 68 trang trại gà, vịt, 2 trang trại cút và 1 trang trại hỗn hợp. Đây là những tiền đề để tỉnh tiến đến phát triển chăn nuôi công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối với chuỗi giá trị, từ đó xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi.

* ÔNG PHẠM VĂN HƯNG Ở XÃ SƠN THÀNH TÂY (TÂY HÒA): Hỗ trợ đầu ra cho nông dân

Hiện nay là thời điểm người chăn nuôi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất tết. Tuy nhiên giá cả nhiều sản phẩm chăn nuôi đang hạ thấp do thiếu đầu ra và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, là khó khăn rất lớn khiến nhiều người vô cùng băn khoăn khi tái, tăng đàn sản xuất cho vụ tết.

Để người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển đàn vật nuôi, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng đưa ra những định hướng sản xuất cụ thể dựa trên nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ dịp tết để bà con có phương án sản xuất cụ thể. Đồng thời, ngành chức năng sớm có biện pháp can thiệp, khống chế giá thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ, kết nối các kênh tiêu thụ giúp bà con an tâm về đầu ra sản phẩm.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn chưa được khống chế hoàn toàn, chính quyền các địa phương cần sớm xây dựng “luồng xanh” giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi để việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không bị đình trệ, kéo dài vụ nuôi, khiến chi phí tăng cao.

THỦY TIÊN (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/264451/ban-giai-phap-thuc-day-san-xuat-dam-bao-tang-truong-ve-chan-nuoi.html