Đà Nẵng: Doanh nghiệp cơ khí gặp khó khi phát triển sản xuất hợp chuẩn
Ngoài giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất, doanh nghiệp cơ khí tại TP. Đà Nẵng cần nhanh chóng có chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thiếu “sếu đầu đàn”, thiếu mặt bằng, doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng khó lớn lên
Ngành công nghiệp cơ khí được coi là “xương sống” của nền công nghiệp hiện đại. Trong chiến lược phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, công nghiệp cơ khí đóng vai trò quan trọng cho phát triển công nghiệp công nghệ cao và xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, hỗ trợ sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Đây vừa là ngành công nghiệp hỗ trợ hàng đầu để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa tại Đà Nẵng, vừa là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển (cơ khí chính xác, cơ điện tử và tự động hóa) cần được các ngành công nghiệp hỗ trợ khác tham gia xây dựng một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ thiết kế, chế tạo đến lắp ráp và bảo trì. Thực tế cũng cho thấy hơn 50% các doanh nghiệp được xếp loại là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng đang là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí.
Dù có vai trò rất quan trọng nhưng đến nay, công nghiệp cơ khí Đà Nẵng vẫn chưa thực sự bứt phá, chưa có doanh nghiệp nào lớn đủ sức dẫn dắt và còn nhiều khó khăn.
Theo bà Trần Như Quỳnh – Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP. Đà Nẵng, hiện thành phố chưa có doanh nghiệp cơ khí lớn đủ sức dẫn dắt ngành, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc thiếu vắng các doanh nghiệp đầu tàu khiến sự phát triển của ngành trở nên rời rạc và thiếu sự hợp tác. Điều này làm hạn chế khả năng hình thành chuỗi giá trị mạnh mẽ như đã có ở các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh hay Quảng Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Một khó khăn lớn khác từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng đó là thiếu mặt bằng sản xuất.
Là đơn vị luôn quan tâm, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đến nay Công ty TNHH Châu Đà đã có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đang là đối tác của nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI lớn trong cả nước như: DAIWA, MABUCHI, UAC, THACO, DOSAN, PTSC… Sản phẩm của đơn vị cũng xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, và đang định hướng xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hiện đơn vị đang gặp khó ở mặt bằng sản xuất. “Hiện tại, công ty đang phải đi thuê nhà xưởng, diện tích nhỏ vì vậy, rất khó đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ; việc thuê nhà xưởng mang tính tạm thời nên không thể mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Tô Tấn Trung Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Châu Đà cho hay và bày tỏ mong muốn TP. Đà Nẵng sẽ sớm có quỹ đất phù hợp để công ty có thể ổn định sản xuất.
Cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP. Đà Nẵng, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với cách thách thức. Đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần phá bỏ rào cản giữa các thị trường. Điều này tạo ra áp lực lớn lên các doanh nghiệp cơ khí nội địa, vốn còn quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn lực. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cơ khí tại Đà Nẵng cần nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quy trình sản xuất nếu muốn tồn tại và phát triển.
Trong đó, phải tận dụng được các cơ hội từ CMCN 4.0, ứng dụng các công nghệ tự động hóa và số hóa quy trình sản xuất. “Dự báo đến năm 2030, nhiều lao động giản đơn sẽ bị thay thế bởi tự động hóa, và các doanh nghiệp cơ khí tại Đà Nẵng cần nhanh chóng chuyển đổi để thích nghi với xu hướng mới. Sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ có thể dẫn đến sự thua thiệt trong cạnh tranh với các doanh nghiệp khác”, bà Trần Như Quỳnh nói.
Cùng quan điểm về cơ hội và thách thức như trên, bà Lê Long Hà - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên (VCCI Đà Nẵng) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành cơ khí Việt Nam những tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá tốt và 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, EU. “Đây là hai thị trường có tiêu chuẩn rất cao khi người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh. Các thị trường này cũng luôn đi đầu trong ban hành, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn hiện hành và gia tăng các yêu cầu liên quan tới việc xanh hóa trong hoạt động sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, bà Lê Long Hà nói và dẫn chứng về việc khởi động cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) của EU về đánh thuế dựa trên phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất ở nước sở tại.
“Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, và Đà Nẵng nói riêng cần quan tâm đến các tiêu chuẩn xanh, cần tạo ra được các sản phẩm hợp chuẩn (xanh, hiện đại, minh bạch) để đáp ứng nhu cầu khách hàng”, Đại diện VCCI Đà Nẵng nói và khuyến nghị cho doanh nghiệp chủ động có kế hoạch chuyển đổi xanh trong sản xuất gồm cập nhật xu hướng chính sách xanh liên quan tới sản xuất của doanh nghiệp ở từng thị trường, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi xanh kịp thời để sản xuất, xuất khẩu bền vững.
Đại diện VCCI Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ đổi mới máy móc công nghệ, thông tin thị trường, chính sách tín dụng xanh… từ các bộ, ngành, địa phương để chủ động thích ứng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững.