Bàn giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh

Tại Diễn đàn Tài chính xanh 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh chiều 22/7, giới chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tận dụng nguồn vốn xanh; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp giúp thúc đẩy thị trường này phát triển.

Nhiều thách thức

Chia sẻ về việc phát triển thị trường tài chính xanh, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng do xu hướng tăng trường bền vững đang là tất yếu nên thị trường tài chính xanh đang có cơ hội lớn để phát triển. Trong khi đó, việc cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải carbon thấp, quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu…

TS. Cấn Văn Lực nêu giải pháp phát triển thị trường tài chính xanh tại diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn

TS. Cấn Văn Lực nêu giải pháp phát triển thị trường tài chính xanh tại diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn

Mặc dù vậy, thị trường này vẫn còn nhiều thách thức bởi chưa có các sản phẩm tài chính xanh (đặc biệt là sản phẩm tín dụng xanh) đặc thù; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh như quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…

Trong khi đó, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng, về lãi suất… Ngoài ra, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn… trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.

‘‘Yếu tố thách thức nữa là nhận thức của thị trường đối với ESG, tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Hiện tại, rất nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế…’’ – ông Lực nhấn mạnh.

Giải pháp trước mắt

Từ những thách thức này, ông Lực đưa ra các giải pháp để phát triển nhanh thị trường tài chính xanh. Đó là phải gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kế đến là cập nhật, ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn đối với danh mục “phân loại xanh” (danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên; nên ở cấp độ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các diễn giả thảo luận về giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh. Ảnh: Đỗ Doãn

Các diễn giả thảo luận về giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh. Ảnh: Đỗ Doãn

Chuyên gia này cho rằng cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường (tiêu chí “dự án, công trình, nhà máy xanh….”); ban hành chính sách thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..); đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng…);

Theo TS. Cấn Văn Lực, để thúc đẩy chứng khoán xanh, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu, trong đó có các tổ chức định hạng tín nhiệm, kiểm toán, tư vấn chuyên nghiệp; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ chi phí phát hành, chi phí thực hiện định hạng tín nhiệm; đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”; đặc biệt là đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế xanh, tài chính xanh…

Kế đến là các chính sách hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có…) cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường”; thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”; xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh như công cụ thị trường vốn, nền tảng nhà đầu tư, hệ sinh thái các tổ chức phát hành, văn hóa quản trị nội bộ rủi ro môi trường trong tổ chức và hạ tầng thông tin theo kinh nghiệm của Malaysia…

Theo ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam phát triển, 5 việc cần làm là hoàn thiện khung pháp lý liên quan, trong đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành; kế đến là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và đào tạo về phát triển bền vững, tài chính xanh cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cộng đồng.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để chuyển đổi

Khuyến nghị với doanh nghiệp, ông Dũng cho hay, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp vì thế phải thay đổi theo hướng tích hợp các yếu tố phát triển bền vững (ESG) vào quản trị và vận hành doanh nghiệp bởi sẽ giúp gia tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời khả năng tiếp cận vốn đầu tư xanh cũng tăng.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nâng cao kiến thức về phát triển bền vững và hiểu rõ các tác động đối với doanh nghiệp; liệt kê các vấn đề trọng yếu liên quan đến ESG, xác định năng lực triển khai hiện tại; đặt mục tiêu, lên phương án triển khai ESG trong hoạt động kinh doanh tương lai; tận dụng nguồn lực nội bộ và tìm kiếm nguồn lực bên ngoài để triển khai; theo dõi tiến độ và điều chỉnh thực tế; báo cáo các mục tiêu và kết quả đạt được trong triển khai ESG theo yêu cầu pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - tổ chức đầu tiên của Việt Nam phát hành trái phiếu xanh, đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai phát hành trái phiếu xanh 2023.

Qua thực tế triển khai, ông Sơn cho rằng cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh và xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế; các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực về môi trường và xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường.

''Rất cần các hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật và khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành chứng khoán xanh. Riêng các doanh nghiệp nói chung, để tăng hiệu quả chuyển đổi xanh, cần xây dựng tổng thể chiến lược thực hiện, trong có xác lập kế hoạch phát hành trái phiếu ESG, lựa chọn trái phiếu phù hợp mục đích cụ thể của doanh nghiệp ở từng giai đoạn. Sau đó phải đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đem lại các tác động tích cực cho môi trường, xã hội…'' – ông Sơn khuyến nghị.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ban-giai-phap-thuc-day-thi-truong-tai-chinh-xanh-155448.html