Bàn giải pháp tiêu thụ nông sản cho huyện Cao Phong trong điều kiện dịch Covid-19
Sở NN&PTNT và Sở Công thương vừa có buổi làm việc với UBND huyện Cao Phong bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản (TTNS) của huyện trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Bưu điện tỉnh, Viettel Hòa Bình, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các đơn vị sản xuất, HTX trên địa bàn huyện Cao Phong.
Mặc dù gặp một số khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Cao Phong 9 tháng đầu năm tương đối ổn định, ước đạt tăng trưởng 1,35% so cùng kỳ năm 2020. UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy TTNS, vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh. Về TTNS trong thời gian qua, huyện chủ yếu tập trung cho nhóm sản phẩm như: mía trắng, mía tím, cá lồng sông Đà, thịt gà, lợn bản địa; các diện tích rau vụ xuân hè đã tiêu hụ hết và huyện đang tập trung cho diện tích rau vụ hè thu, vụ đông. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa có gặp khó khăn hơn so với thời điểm không có dịch Covid-19, giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng tăng 150-200.000 đồng/thùng/điểm nhận do phải chi thêm nhiều chi phí.
Thời gian tới, một số diện tích cây ăn quả có múi chuẩn bị cho thu hoạch, diện tích rau mầm vụ thu đông đã và đang chuẩn bị xuống giống, đàn gia súc, gia cầm và diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan lên kế hoạch, thực hiện các phương án TTNS với 2 nhóm sản phẩm gồm cây ăn quả có múi và thủy sản. Trong đó, cây ăn quả có múi có sản lượng thu hoạch khoảng 22.000 tấn, thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 10/2021-tháng 5/2022; được tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính và được xây dựng thành 3 phương án tiêu thụ phù hợp với từng tình hình. Đối với thủy sản, tiếp tục tập trung vào các sản phẩm cá lồng sông Đà, dự kiến sản lượng 3 tháng cuối năm khoảng gần 400 tấn, trong đó 80% tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, thương lái tại Hà Nội, các tỉnh lân cận và các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể…
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương, các ngành chuyên môn, các đơn vị, HTX đã tập trung thảo luận, nêu lên thực trạng tình hình sản xuất, TTNS của đơn vị mình, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường, thúc đẩy TTNS, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch bệnh.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, huyện Cao Phong cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để tạo làn xanh an toàn để có thể tổ chức được lễ hội cam Cao Phong; cần lên kịch bản TTNS phù hợp với nhiều tình huống, các nhà vườn phải bám sát thông tin thị trường; huyện đề xuất với tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 sàn thương mại điện tử của Bưu điện tỉnh và Viettel Hòa Bình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả TTNS; tăng cường công tác quản lý VTNN, giống cấy trồng, người sản xuất, HTX phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng của hàng hóa, sản phẩm; ổn định quy hoạch các diện tích cây có múi, mía tím…