Bản giao hưởng Bidoup
Nam Tây Nguyên, mùa con chim C'rao sải cánh giữa đại ngàn. Mùa nắng. Chúng tôi ngược miền cổ tích, theo bước chân dũng mãnh của Ha Biang đi về phía mặt trời. Đỉnh Bidoup trôi trong mây, núi đồi xếp lớp. Mênh mang bản giao hưởng rừng xanh kỳ thú giữa vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang.
LÊN “NÓC NHÀ” NAM TÂY NGUYÊN
Nắng lên. Đỉnh Bidoup gần hơn trong sương mai, đã nghe bước chân của con thú đi hoang, bản tiêu dao của chim rừng. Bước chân đầu tiên chinh phục “nóc nhà” Nam Tây Nguyên, tìm về miền nguyên sơ, Ha Quyll, người con của núi, diễn giải viên Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà, mở lời: Thuở xưa, Langbiang và Bidoup là anh em. Vì là anh nên Langbiang không chịu để em gái cao hơn mình, Langbiang đã tát vào mặt em gái khiến Bidoup ngã mặt úp xuống đất, không gượng lại được, nhưng vẫn cao hơn Langbiang và cái tên Bidoup được truyền lại từ đời này qua đời khác. Sự tích về núi Langbiang cũng rất nhiều dị bản.
Nắng len qua kẽ lá giữa rừng nguyên sinh. Không gian cổ tích, chỉ nghe nhịp điệu thiên nhiên. Ha Quyll nói: VQG Bidoup - Núi Bà là vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang, diện tích hơn 69,6 nghìn hecta, được đặt tên theo hai ngọn núi cao nhất cao nguyên Lâm Viên, thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Đỉnh Bidoup cao 2.287 m và Langbiang (còn gọi là Núi Bà) cao 2.167 m. Năm 1899, vị bác sĩ người Pháp Tardif đã mô tả: “Khi nhìn thấy cao nguyên Langbiang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau. Những thung lũng rộng và sâu chia cắt núi đồi dợn sóng…”.
Tiếp tục ngược đỉnh Bidoup, đã nghe tiếng suối Liêng KĐá, tiếng hót của chim Tôu Wôu gọi mùa rừng thay lá. Đứng giữa con dốc chót vót, người đi sau chỉ thấy gót chân người đi trước, Ha Quyll diễn giải, cư dân bản địa Tây Nguyên đều có tín ngưỡng đa thần, họ thờ Thần Núi, Thần Nước, Thần Rừng. Vô số thần linh ngự trị trong thiên nhiên, các ngọn núi, khu rừng, dòng suối… Có lẽ, nhờ văn hóa cội nguồn mà đại ngàn Tây Nguyên mãi thẳm xanh! Chợt có tiếng chim rất lạ. “Đó là Mi Langbiang, loài chim đặc hữu xứ này. Bidoup - Núi Bà là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới”, Ha Quyll bật mí.
Nắng lên cao. Bên đường mòn, vài đứa bé người K’Ho theo cha vào rừng đang tụm lại, xoa xoa hai chiếc lá cây tỏ vẻ khoái chí. Đứng bên cạnh, anh Cil Phi Criêu Ha Thái nói, đây là cây “làm đẹp” của phụ nữ K’Ho một thời, thường gọi là cây trang điểm. Lấy hai lá chà vào nhau sẽ cho ra bột phấn. “Ngày xưa, trước khi cưới, chàng trai phải tìm cho người mình yêu tám chiếc lá trang điểm, tám cây son môi mọc phía đầu nguồn con suối nàng mới ưng bụng. Ông ngoại mình kể thế…”, Ha Thái cho hay. “Người K’Ho có lối mưu sinh truyền thống dựa vào thiên nhiên. Văn hóa của họ gắn với núi rừng, nên có kinh nghiệm trong việc sử dụng cây, cỏ chữa bệnh. Truyền thuyết dòng họ Cil Phi Criêu (cây dẻ), cũng gắn với họ thực vật đặc trưng vùng Bidoup đó”, Ha Quyll góp chuyện.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, lần lượt qua hệ sinh thái đặc trưng của rừng á nhiệt đới, đây rừng thông ba lá, rừng rêu, sồi ba cạnh, lan rừng, lác đác những cây phong mùa thay lá đẹp như tranh. Mặt trời đã vắt về phía núi, chúng tôi đặt chân lên “nóc nhà” Nam Tây Nguyên, thao thức với đại ngàn trong bản hòa tấu dịu dàng của thiên nhiên.
DU HÀNH VỀ QUÁ KHỨ
Bình minh khác biệt giữa rừng. Nắng len lén trườn qua kẽ lá, rót xuống từng sợi lung linh giữa làn sương mờ tỏ. Chim Tôu Wôu đã cất tiếng gọi bầy. Xuống núi. Chúng tôi ngược miền ký ức, du hành về quá khứ, tìm cây tiền sử còn sống sót ở Việt Nam, những di sản của rừng, như pơ mu, sồi ba cạnh, thông hai lá dẹt...
Đứng trên mõm đá Mỏ cá heo, điểm dừng chân “mặc định” của những người khám phá bí ẩn giữa lòng núi Mẹ, Ha Quyll bảo, cây pơ mu đặc biệt kia rồi! Bước chân thênh thênh như người Tây Nguyên lữ hành mùa gió, chúng tôi lặng người trước cây pơ mu hơn 1.300 tuổi, được các nhà khoa học Đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là di sản. Đã nhiều lần đưa các nhà nghiên cứu quốc tế vào đây, nên Ha Quyll thuộc làu về đặc điểm “lão” pơ mu này, cây cao chừng 40 m, chu vi gốc khoảng tám người ôm. “Nghe nói, độ dày của các vòng trên thân cây cho biết về tình trạng khí hậu trong quá khứ”, Ha Quyll gợi mở.
Trước đây, các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Úc, Pháp… đã hợp tác nghiên cứu các vòng gỗ lấy mẫu ở thân cây pơ mu Bidoup - Núi Bà, để tái tạo thời tiết gió mùa ở lục địa Á châu trong quá khứ đến tận thế kỷ 14. Cùng với kết quả nghiên cứu trước đó, đã trả lời giả thiết của các nhà sử học, khảo cổ học đặt ra, phải chăng sự thay đổi khí hậu là nguyên nhân chủ yếu làm nền văn minh Khmer ở Angkor sụp đổ vào đầu thế kỷ 15?
Thời điểm mùa khô, những cánh rừng trong VQG Bidoup - Núi Bà phô diễn vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên hoang dã.
Đây là loài thông hai lá dẹt (Ducampopinus krempfii), lá có hình lưỡi kiếm, độc nhất ở Việt Nam và có phân bố hẹp ở cao nguyên Langbiang. “Loài thông này dễ phát hiện từ xa, bởi các tán lá hình rẻ quạt đặc trưng, vượt lên trên tầng chính của tán rừng”, Ha Quyll diễn giải.
Cách đây mấy năm, trong câu chuyện với Phó Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà Đỗ Văn Ngọc, người có thời gian nghiên cứu sâu về loài cây này, ông cho biết: “Qua nghiên cứu, nhiều nhà khoa học ví thông hai lá dẹt như sứ giả thời tiền sử, là thực vật cổ hóa thạch sống cùng thời khủng long còn sót lại hiếm hoi cho đến ngày nay”. Có lẽ nhờ vậy mà các nhà khoa học có thể tìm ra mối liên hệ giữa thực vật cổ và hiện đại. Viện sĩ hàn lâm Liên Xô cũ, ông A. Tastagsceh, khi hay tin từng ao ước: “Tôi muốn sang ngay Việt Nam và sờ lên cây thông hai lá dẹt rồi chết cũng mãn nguyện”.
Chiều nghiêng theo địa hình của dải Bidoup - Núi Bà. Tiếng chim Tôu Wôu gọi những bước chân dùng dằng thoát miền huyền thoại. Bởi còn tiếc nuối với quần thể cổ thực vật sồi ba cạnh thời tiền sử, có thể cùng thời khủng long, từng gây sửng sốt nhiều nhà khoa học; với loài thông đỏ quý hiếm. “Đó là những cây thiêng với đồng bào dân tộc bản địa và chắc chắn còn nhiều điều bí ẩn”, Ha Quyll cho hay.
CON NƯỚC KHÔNG CÒN LANG THANG
Mặt trời đã ngả bên kia núi. Những bếp lửa được thắp lên, đại ngàn vọng tiếng cồng chiêng, quyện hòa cùng câu yal yau ngẫu hứng, ngân dài lên tận đỉnh núi. Đêm đặc biệt giữa VQG Bidoup - Núi Bà, với những chàng trai, cô gái miền sơn cước. Hương rượu cần mênh mang, tiếng tù-và thổn thức trong nghi lễ văn hóa cồng chiêng. Ơi, Yàng N’Du, vị thần quyền năng tối thượng; Yàng B’Nơm dạy người Tây Nguyên yêu rừng xanh, núi đỏ; Yàng Đạ khơi những mạch nguồn con sông, dòng suối… Tôi nhận ra già làng Ha Clas, cư dân của làng trong rừng thẳm Dơng Iêr Jiêng giữa vùng lõi Bidoup - Núi Bà, nơi tôi từng vượt suối Đạ Tý, dốc Chớt Hoa, đỉnh Nim Bò, để cùng buôn làng hiếu khách vít cong cần rượu. Già bảo: “Bà con mình ở rừng để giữ rừng Yàng mà. Rừng còn thì con nước không đi lang thang…”.
Tiến sĩ Lê Văn Hương, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà cho biết, Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang có diện tích hơn 275 nghìn hecta, dân số khoảng 387 nghìn người; hiện có hơn 280 hộ sinh sống trong vùng lõi. Hàng năm, VQG Bidoup - Núi Bà chi bình quân 1,5 triệu USD cho hơn 1.550 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. “Giữ gìn thiên nhiên, giữ gìn văn hóa là giữ gìn tương lai. Chúng tôi cho rằng, muốn giữ rừng phải dựa vào cộng đồng, “văn hóa rừng” của người bản địa, trên cơ sở chia sẻ lợi ích, để kết nối bảo tồn và phát triển, phải bảo vệ rừng bằng văn hóa mới bền vững”, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà chia sẻ.
Rượu cần chếnh choáng, già Ha Clas vỗ vai tôi, cao nguyên Langbiang là nơi khởi nguồn của hai dòng sông lớn. Sông Đồng Nai, bắt nguồn từ trong nước và kết thúc trong nước; sông Sêrêpôk chảy ngược về hướng Tây rồi trở về giữa lòng Đất Mẹ. “Chúng tôi đã tính đến việc phát triển cao nguyên Langbiang phù hợp những cam kết của Việt Nam với quốc tế, theo phương châm “Bảo tồn cho phát triển, phát triển để bảo tồn”. Đặc biệt là du lịch và bảo tồn trong công ước đa dạng sinh học của quốc tế mà chúng ta đã tham gia”, Tiến sĩ Lê Văn Hương cho hay.
Đêm đại ngàn sâu thẳm. Từ đâu đó bật lên giai điệu thổn thức “Xanh miền huyền thoại” quyện hòa nhịp điệu thiên nhiên, “Anh yêu rừng như từng yêu em, một thảm xanh xanh tựa vào triền núi, dệt một miền xanh”. Đó là cao nguyên huyền ảo Langbiang…
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bao-xuan-2022/202202/ban-giao-huong-bidoup-3101720/