Bàn giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù, Đồng Tháp quản lý bằng cách nào?
Trước bối cảnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chờ cát, tỉnh Đồng Tháp liên tục bàn giao các mỏ cát cho nhà thầu thi công trực tiếp khai thác để phục vụ công trình. Vậy tỉnh sẽ quản lý bằng cách nào nhằm đảm bảo tài nguyên đi đúng nơi cần đến?
Quản lý chặt nhà thầu khai thác
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao năm mỏ cát theo cơ chế đặc thù cho các đơn vị thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trực tiếp khai thác với trữ lượng 3,75 triệu m3.
Tại buổi lễ bàn giao bốn mỏ cát mới đây, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, với số lượng cát phục vụ cao tốc được Chính phủ giao, tỉnh đảm bảo cung ứng đủ theo quy định.
Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh trước bối cảnh các công trình cao tốc "khát" cát đắp nền nhằm đảm bảo đạt tiến độ đề ra.
Đề cập tới vấn đề quản lý các nhà thầu khai thác đưa cát đi đúng nơi cần đến, ông Nghĩa thông tin, các mỏ cát được tỉnh bàn giao, trước tiên nhà thầu phải thực hiện đủ hồ sơ, thủ tục mới có thể khai thác.
Quan trọng là trên mỗi phương tiện khai thác đều phải gắn camera giám sát và định vị phương tiện để cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi trong quá trình khai thác.
"Đến nay tỉnh đã thành lập lực lượng thanh tra liên ngành như tài nguyên môi trường, công an và các tổ điều phối.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành để các nhà thầu có thể dễ dàng khai thác cát phục vụ công trình trọng điểm Quốc gia", ông Nghĩa thông tin thêm.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nói: "Trước những khó khăn như hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã rất nỗ lực giao cho nhà thầu năm mỏ cát để phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Do đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng sẽ tích cực phối hợp với tỉnh trong việc kiểm soát các nhà thầu khai thác cát nhằm đảm bảo cát được khai thác được đưa đủ về công trường".
"Chúng tôi cam kết với tỉnh Đồng Tháp cũng như Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khi mỏ cát được bàn giao sẽ thực hiện đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định mới tiến hành khai thác.
Trong đó, quan trọng nhất là trên mỗi phương tiện khai thác chúng tôi đều gắn camera giám sát và định vị phương tiện để cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi.
Số lượng khai thác bao nhiêu, chúng tôi sẽ đảm bảo đưa về công trường đủ bấy nhiêu", thượng tá Lê Xuân Long, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - nhà thầu tham gia cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng cam kết.
Cát được khai thác đi đúng nơi cần đến
Trong năm mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho các nhà thầu thi công cao tốc thì đến nay chỉ mới có một mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) là đủ thủ tục khai thác.
Có mặt tại hiện trường, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí làm việc của công nhân trên mỏ cát rất khẩn trương với 10 giờ/ngày và mỗi ngày khai thác khoảng 4.000m3. Trên mỗi phương tiện đều có gắn camera giám sát và định vị phương tiện theo đúng quy định.
Anh Ngô Minh Tuấn, nhân viên lái xáng cạp thuộc Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (đơn vị hỗ trợ Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) khai thác cát) cho biết, khi sà lan đến mỏ thì ngay lập tức sẽ có người điều khiển xáng cạp, lấy cát lên sà lan vận chuyển đến công trình cao tốc.
Mỗi xáng cạp có hai nhân viên thay phiên nhau điều khiển, mỗi người lái 5 giờ.
Ông Nguyễn Hoàng Đông, cán bộ phụ trách giám sát, điều phối cát tại mỏ cát nói: "Nhà thầu CC1 bố trí người tại mỏ để điều phối cát, hợp đồng với 5 công ty vận chuyển cát từ mỏ đến dự án Cần Thơ - Cà Mau, trung bình mỗi công ty có 20 sà lan.
Người điều phối sẽ theo dõi phương tiện vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình gắn trên sà lan nhằm đảm bảo sà lan chở cát đến đúng địa điểm theo chỉ định của CC1".
Ông Hoàng Trung Thanh, Phó tổng giám đốc CC1 thông tin, mỗi ngày có 9 sà lan đến lấy cát chở về phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Chúng tôi cam kết cát được khai thác sẽ được đưa đi đúng nơi cần đến, khi cát về tới công trường, công ty sẽ thúc tiến độ nhằm bù lại tiến độ phải chờ cát đắp nền trong thời gian vừa qua", ông Thanh nói.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng. Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026.