Bán hàng livestream - hướng đi mới cho thương hiệu Việt

Trong bối cảnh thương mại điện tử và công nghệ số phát triển mạnh mẽ, livestream đang trở thành một công cụ quan trọng giúp các thương hiệu Việt tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp và hiệu quả. Vì vậy, có không ít doanh nghiệp Việt đã chọn kênh livestream để đưa hàng Việt vươn xa.

Hậu trường phiên live bán sầu riêng của Hằng Du mục.

Hậu trường phiên live bán sầu riêng của Hằng Du mục.

Xu thế tất yếu

Chia sẻ về xu hướng bán hàng qua livestream đang phát triển, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, đại diện AI Nova Mall (hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành livestream bán hàng) cho biết, ngành thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ là trào lưu, mà đang trở thành xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay. Chính sự bùng nổ của công nghệ và internet cũng đã tạo ra một không gian không giới hạn để phát triển các hoạt động thương mại. Thông qua livestream, mọi người đã tạo ra sân chơi kết hợp mua sắm trên mạng xã hội ngày càng phát triển. Việc livestream bán hàng cũng giúp người bán hàng, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với người tiêu dùng về sản phẩm cần bán.

Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap Asia) cho biết, vừa qua, đơn vị đã bán sầu riêng qua livestream khá hiệu quả, nhất là những khung giờ buổi trưa đã bán hết 12 tấn sầu riêng, phần còn lại được bán vào khung 19 – 22 giờ (khoảng 3-5 tấn).

Mặt hàng sầu riêng đang được bán livestream khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.

Mặt hàng sầu riêng đang được bán livestream khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.

"Hiện nay, FoodMap Asia đã có kinh nghiệm bán trái cây online hơn 5 năm qua nên việc chuẩn bị cho khâu vận hành, từ việc làm việc với nền tảng, đơn vị giao nhận, nhà vườn, KOL… phải tốt nhất. Cụ thể, để bán sầu riêng trên livestream hiệu quả, đơn vị chuẩn bị cho chương trình hơn 1 tháng trước đó. Vì vậy, mục tiêu bán hết 1 container sầu riêng với số lượng từ 15 – 17 tấn (chủ yếu là sầu riêng Ri 6 ở Đắk Lắk và một ít sầu riêng Musang King tại Khánh Hòa) cũng đạt kết quả mong muốn”, anh Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết thêm.

Tương tự, anh Đặng Tiến Thảo, giám đốc Công ty xuất khẩu trái cây Minh Thảo chia sẻ, trước đây công ty chỉ bán trên kênh truyền thống, nhưng nay đã bắt đầu tập trung bán hàng livestream và lượng hàng bán trực tuyến đang tăng đáng kể (tăng khoảng 40 - 50%), doanh số bán hàng trực tuyến cũng chiếm 70% doanh số.

Tận dụng công nghệ AI

Theo anh Đặng Tiến Hoàng, người thành công trong việc bán hàng online, hiện nay việc bán hàng livestream đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, một doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40 - 50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng truyền thống trước kia. Trong khi đó, khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống, thống kê một phiên livestream thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người.

“Doanh nghiệp cũng không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không thực sự hiệu quả. Thay vào đó, doanh nghiệp, chính nhân viên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự livestream bán hàng, đó là cách marketing 0 đồng nhưng hiệu quả nhất hiện nay. Khi nhân viên bán hàng, doanh nghiệp tự live thì chính họ là người hiểu rõ sản phẩm của mình nhất, như vậy mới thuyết phục được người mua trực tuyến”, anh Hoàng cho biết thêm.

Các nông sản Việt đang chinh phục khách hàng thông qua bán hàng trực tuyến.

Các nông sản Việt đang chinh phục khách hàng thông qua bán hàng trực tuyến.

Theo các chuyên gia kinh tế, để livestream bán hàng Việt hiệu quả, trước tiên doanh nghiệp cần tận dụng các công cụ AI để có thể tối ưu hóa nội dung truyền thông, đồng thời giúp tăng cường tương tác và mang lại hiệu quả vượt trội cho các chiến dịch marketing trực tiếp.

Ông Đặng Hữu Sơn, Co-Founder và CEO LovinBot cho biết, ngày nay, các công cụ AI có khả năng sáng tạo nội dung và phân tích dữ liệu hiệu quả để người bán có thể lên kế hoạch về thời điểm, sản phẩm cũng như khuyến mãi hợp lý. Doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu của mình để có thể kết hợp công nghệ truyền thống và công nghệ AI, từ đó tối ưu hóa vận hành trong TMĐT. Ngoài ra, kịch bản là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một phiên bán hàng qua kênh livestream. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng một kịch bản cụ thể và ngắn gọn nhất để người bán hàng có thể nắm bắt được nội dung của phiên live.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Phong, Trưởng đại diện phía Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, để có thể khai thác tối đa tiềm năng của hình thức livestream và phòng tránh các rủi ro về pháp lý, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật trên các kênh TMĐT như: Tính pháp lý của doanh nghiệp và sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, giấy phép, tuân thủ các quy định về thuế … Các doanh nghiệp cũng cần chú ý xây dựng nền tảng vận hành chuẩn chỉnh ngay từ đầu để có thể đảm bảo các hoạt động của mình phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/ban-hang-livestream-huong-di-moi-cho-thuong-hieu-viet-20240731100001506.htm