Ban hành 5 tiêu chí thẩm định tài liệu giáo dục địa phương

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 5 tiêu chí thẩm định tài liệu và các vấn đề như nội dung, hình thức, cấu trúc, phương pháp, ngôn ngữ... của tài liệu này.

Phụ huynh Lào Cai đến trường dạy học sinh làm nhạc cụ dân tộc. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Phụ huynh Lào Cai đến trường dạy học sinh làm nhạc cụ dân tộc. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn.

Theo đó, có 5 tiêu chí thẩm định tài liệu, quy định về các vấn đề như nội dung, hình thức, cấu trúc, phương pháp, ngôn ngữ... của tài liệu này.

Tiêu chí 1 đề cập đến điều kiện tiên quyết của tài liệu: Nội dung và hình thức tài liệu không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung và hình thức tài liệu không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.

Tiêu chí 2 là về nội dung tài liệu. Theo đó, nội dung tài liệu thể hiện đúng và đầy đủ các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương; các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương và các nội dung khác theo nội dung giáo dục địa phương quy định trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng.

Các thành tựu khoa học mới liên quan đến nội dung giáo dục địa phương được cập nhật và phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Tài liệu có tính mở, khuyến khích cách tiếp cận đa dạng bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đối với nội dung giáo dục địa phương.

Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được thể hiện hợp lý.

Tiêu chí 3 là về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá trong tài liệu. Trong đó, nội dung tài liệu tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

Nội dung tài liệu thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.

Tiêu chí 4 về cấu trúc và hình thức trình bày tài liệu. Cụ thể, tài liệu được thiết kế theo các chủ đề phù hợp với nội dung tài liệu theo quy định và phù hợp với kế hoạch giáo dục các môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi cấp học, lớp học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Hình thức trình bày tài liệu cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ; tranh, ảnh, bảng, biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ phù hợp với nội dung bài học và lứa tuổi học

Tiêu chí 5 là về ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu. Theo đó, ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu là tiếng Việt, bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các kí hiệu, phiên âm, đơn vị đo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Hội đồng thẩm định tài liệu do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo cấp học. Hội đồng gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 số thành viên là giáo viên đang giảng dạy tại cấp học tương ứng. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 9 người.

Giáo dục địa phương là một nội dung chương trình giảng dạy trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, khác với các chương trình chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, chương trình giáo dục địa phương sẽ do các địa phương tự biên soạn./.

Hà An (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ban-hanh-5-tieu-chi-tham-dinh-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong/667113.vnp