Ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 7477/KH-UBND phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch là: Phát triển nhóm ngành nghề chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào các sản phẩm chủ yếu: Chế biến mủ cao su; hạt điều; giết mổ gia súc, gia, cầm; chế biến rau quả; các sản phẩm OCOP - nhóm sản phẩm chế biến. Duy trì hoạt động các ngành nghề chạm trổ, điêu khắc, nghề làm guốc và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một; tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nâng cao năng lực các cơ sở xử lý, chế biến tạo ra các loại nguyên liệu mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nghề nông thôn; nhất là sản xuất nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường và thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu.
Song song đó, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các cơ sở làm nghề tại các địa phương chủ động, tích cực liên kết hợp tác, tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức có tư cách pháp nhân. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tổ chức sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Ưu tiên triển khai Chương trình OCOP trên đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất trên các ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phù hợp với các nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP…