Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 382/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khu di sản Tràng An. Ảnh: S.T

Khu di sản Tràng An. Ảnh: S.T

Mục tiêu của Kế hoạch là quán triệt và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch hệ thống du lịch) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13-6-2024 bảo đảm hiệu quả, hiệu lực. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các hoạt động, chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm bố trí, phân bổ nguồn lực của Nhà nước cũng như thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp trong Quy hoạch hệ thống du lịch.

Kế hoạch yêu cầu đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, linh hoạt các giải pháp trong triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển du lịch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với bối cảnh, nguồn lực của quốc gia, điều kiện thực tế của từng địa phương và bối cảnh hội nhập quốc tế…

Kế hoạch đặt ra các vấn đề huy động tối đa các nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh có liên quan để tạo điều kiện phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho du lịch, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, bến tàu... phục vụ du lịch.

Theo đó, nội dung Kế hoạch đề ra nguyên tắc triển khai các dự án phải phù hợp với các định hướng phát triển của đất nước với quan điểm, mục tiêu, định hướng đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1- 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới…

Các dự án ưu tiên đầu tư của ngành du lịch được đề xuất trong quy hoạch được phân thành các nhóm dự án về: Chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển thương hiệu; bảo tồn phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường..., dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo đột phá cho phát triển du lịch gắn với hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch, hệ thống các Khu du lịch quốc gia và các hành lang kết nối phát triển du lịch để thúc đẩy, lan tỏa phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên các vùng và cả nước.

Kế hoạch nhấn mạnh việc tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch (đặc biệt là các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận); xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch và nghiên cứu ứng dụng công nghệ; hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu ở tầm quốc gia và cấp vùng; phát triển sản phẩm mới; phát triển nguồn nhân lực...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai để triển khai các chương trình, dự án du lịch trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các định hướng về phát triển du lịch tại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-thuc-hien-quy-hoach-he-thong-du-lich-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2045-694215.html