Ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa
Ngày 11/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa. Quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực, làm biến dạng, sai lệch và có nguy cơ mai một, hủy hoại di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Theo đó, Quy tắc gồm 3 chương (10 điều) trong đó Chương I - Mục đích, phạm vi, đối tượng (từ điều 1 đến 2); Chương II - Quy tắc ứng xử (từ điều 3 đến điều 8); Chương III - Tổ chức thực hiện (từ điều 9 đến điều 10).
Phạm vi điều chỉnh của Quy tắc quy định hành vi ứng xử của người làm công tác di sản văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp, trong quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa; ứng xử trên báo chí, truyền thông và trên không gian mạng; khi tham gia các hoạt động xã hội khác.
Đáng chú ý là Điều 4, Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp quy định rõ các quy tắc đối với người công tác trong lĩnh vực bảo tàng; lĩnh vực di tích; lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin.
Theo đó, quy tắc đối người làm công tác trong lĩnh vực bảo tàng nêu rõ cần tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định, quy chế nội bộ của từng bảo tàng.
Quy tắc cũng yêu cầu người làm công tác trong lĩnh vực bảo tàng hiểu và tôn trọng giá trị của di sản văn hóa, không chỉ trong việc bảo quản mà còn trong việc truyền đạt kiến thức và giáo dục di sản văn hóa, có thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, tôn trọng, chu đáo khi tiếp xúc với khách tham quan, đối tác, đồng nghiệp, bảo đảm thông tin cung cấp cho khách tham quan về hiện vật, sưu tập hiện vật hoặc sự kiện lịch sử, văn hóa là chính xác và trung thực.
Ngoài các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, Quy tắc cũng yêu cầu người làm công tác trong lĩnh vực bảo tàng không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa đồng nghiệp trong bảo tàng hoặc với khách tham quan bảo tàng, không lợi dụng hoạt động chuyên môn của bảo tàng để gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, cộng đồng liên quan.
Không môi giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ vận chuyển trái phép các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản thiên nhiên, cũng như các hoạt động mua bán/sưu tầm/kinh doanh/trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.
Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa
Đặc biệt, Quy tắc yêu cầu không môi giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ vận chuyển trái phép các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản thiên nhiên, cũng như các hoạt động mua bán/sưu tầm/kinh doanh/trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc bất hợp pháp; không lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Quy tắc cũng yêu cầu không vi phạm các lợi ích của bảo tàng trong các hoạt động chuyên môn cá nhân; không được lợi dụng hoạt động của bảo tàng để thu lợi cho cá nhân hoặc lợi dụng nghề nghiệp tại bảo tàng để hỗ trợ bạn bè, người thân trục lợi cá nhân…
Đối với người công tác trong lĩnh vực di tích, ngoài các quy định liên quan đến việc bảo vệ, bảo tồn và giữ nguyên bản, phát huy giá trị di tích, Quy tắc không cho phép lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân trong các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, không bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, cũng như không tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ; bảo vệ địa điểm, khu vực thăm dò khai quật khảo cổ.
Đối với người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Quy tắc yêu cầu bảo đảm thực hiện đúng các quy định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Không lợi dụng hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể để đi ngược lại quyền sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản.
Đối với lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin, Quy tắc yêu cầu bảo đảm không làm biến đổi và giữ gìn tối đa thông tin gốc trong công tác phục chế, bảo quản di sản tư liệu.
Cùng với các quy tắc liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, Quy tắc yêu cầu người làm trong lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin không được xâm phạm tới sự toàn vẹn, tính xác thực của di sản tư liệu (không cắt xén, tác động hay làm giả thông tin, tư liệu); không được vì lợi ích cá nhân mà đặt sự tồn tại lâu dài của di sản tư liệu trước các mối đe dọa nguy hiểm, đặc biệt không được xâm nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trái phép; sử dụng, khai thác dữ liệu trái các quy định của pháp luật.
Quy tắc cũng quy định ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa; Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông, không gian mạng và Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác.