Bản hòa âm đất nước
Lá cờ Thơ với hình tượng chim Lạc bay và bài thơ 'Nguyên tiêu' (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh vang lên trong Ngày thơ Việt Nam không còn xa lạ với những người yêu thơ. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm nay có chủ đề 'Bản hòa âm đất nước' sẽ mang đến cho công chúng yêu thơ nhiều cung bậc cảm xúc.
Mạch nguồn dân tộc
Trải qua 21 lần tổ chức với những chuỗi hoạt động đa dạng, Ngày thơ Việt Nam ngày càng có sức hút mạnh mẽ với người yêu thơ. Điều khiến Ngày thơ Việt Nam trở nên hấp dẫn, cuốn hút là bởi công chúng tìm thấy trong thơ ca Việt Nam nói chung và Ngày thơ nói riêng những giá trị tâm hồn dân tộc được lưu giữ bền vững, sâu sắc, tinh tế từ mạch nguồn dân tộc, từ lịch sử oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Thơ ca đã đồng hành với công cuộc dựng nước và giữ nước. Đó là ca dao truyền khẩu trong dân gian, với thơ Lý - Trần như một kỳ quan rực rỡ của văn hóa nước nhà, với thơ yêu nước thời Lê, thời Nguyễn... và dòng thơ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sau này...
Thơ, dù ở thời kỳ nào, nếu gắn bó với cội nguồn dân tộc, quan tâm đến vận mệnh của đất nước, đời sống của nhân dân thì sẽ tồn tại, thâm nhập sâu vào công chúng một cách rộng rãi. Thơ là phiên bản của tâm hồn, nhưng không phải viết về cái riêng tư, cái riêng biệt mới là thơ đích thực. Từ mạch nguồn ấy, từ vận mệnh dân tộc, Nguyễn Trãi viết: “Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân”, và sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Tư tưởng yêu nước, thương dân là tình cảm xuyên suốt của mỗi nhà thơ được chảy từ mạch nguồn dân tộc qua hàng chục thế kỷ qua.
Neo giữ hồn thiêng sông núi
Ngày thơ Việt Nam đã trở thành sinh hoạt văn hóa lành mạnh của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Đến với ngày thơ, ta có thể đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ, hát thơ và cả sắp đặt thơ nữa. Người ta có thể nghe và đọc thơ với nhiều cung bậc, trình độ thưởng lãm khác nhau bằng tình yêu thi ca. Thơ vốn mang trong nó tâm hồn, tâm khí của dân tộc nữa nên thơ luôn là nhu cầu sáng tạo, trình bày, thưởng thức của không ít công chúng. Tâm hồn Việt phải chăng là đây, trong những cảm thức trĩu nặng về lịch sử trầm luân nhưng cũng thật sự rất đáng tự hào: “Mà nghe chín tầng không/ mảnh lá mục cũng rì rầm sông chảy/ Thuở răng đen mái tóc buông dài/ dáng sông Ngọc nhọc nhằn cơn lũ xoáy/ Khúc lở bồi xưa còn đánh thức tương lai” (Hoàng Thành - Lê Mạnh Tuấn); là trái tim ngân rung khi được cất lên tiếng Việt thân yêu: “Tổ quốc là tiếng Mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người” (Tổ Quốc là tiếng Mẹ - Nguyễn Việt Chiến). Đó là sự an nhiên tĩnh tại trong và sau những cơn bão thế cuộc: “Trong góc vườn mùa thu/ Cây lá cũng như ông lặng lẽ/ Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây...” (Vị tướng già - Anh Ngọc); là nỗi tri ân quá khứ không bao giờ vơi cạn: “Mỗi tấc đất/ đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi,/ một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương/ nghi ngút trời mây!...” (Đỉnh núi - Trịnh Công Lộc). Thơ trong tiến trình phát triển của nhân loại đã, đang và sẽ mãi tồn tại như một hoạt động văn hóa, tinh thần của con người. Bởi lẽ, thơ chính là cuộc sống ở chiều sâu, là một phần tâm hồn, tình cảm của con người được biểu cảm qua ngôn ngữ tinh tế và chắt lọc nhất. Những bài thơ lưu giữ tâm hồn Việt sẽ hòa điệu thi ca cùng với dàn hợp xướng thi ca muôn màu thanh sắc của các dân tộc... Tiếng Việt trong thơ rất giàu nhạc điệu, cùng khả năng diễn đạt cảm xúc và suy ngẫm rộng lớn của nó chắc chắn sẽ mang lại những giá trị to lớn khi hòa hợp cùng dàn thanh âm hồn thơ đất nước.
Bản hòa âm đa thanh
Ngày thơ Việt Nam năm nay có chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, với kỳ vọng mang tới công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của 54 dân tộc Việt Nam và những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc. Đêm thơ Nguyên tiêu sẽ tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, nên vầng trăng được chọn làm ngôn ngữ thiết kế không gian mỹ thuật. Và có lẽ, một ngày thơ, một không gian thơ và cả những khoảnh khắc thiêng liêng cùng hồn cốt non sông gấm vóc Việt sẽ tạo nên một dân tộc, một đất nước thăng hoa, hòa nhịp cùng bản hòa âm đất nước.
Ngày thơ năm nay, sau hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” sẽ ngân lên những giọng thơ của nhiều dân tộc anh em. Đó sẽ là một Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày) với giai điệu mượt mà, ý thơ sâu lắng, gợi cảm “Khi nghe gió thổi qua Phiia Biioóc/ Em biết mùa thu đã hết rồi” (Phiia Biioóc nghĩa là núi Hoa, tên một quả núi cao ở Bắc Kạn), hay một Lò Ngân Sủng (dân tộc Giáy) với “Chiều biên giới em ơi” để cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp bao la, hùng vĩ và thơ mộng về một vùng đất không hoang vu mà ấm áp tình người. Và rồi, những vần thơ của một nhà thơ nữ người Mường - Bùi Thị Tuyết Mai như là cái duyên của một người phụ nữ đa cảm, tinh tế và nhiều mơ mộng: “Ta hát gọi em cỏ non đất/ Mường nồng nàn đêm ngủ/ Ta là kẻ chăn bò khao khát em/ Những chú bê non cạp lưỡi hồng hồng mềm mềm hôn đám cỏ/ Rặng núi xanh xanh/ Dặt dìu điệu khèn uốn mình quanh suối nhỏ”...
Mỗi nhà thơ, mỗi bài thơ như những nốt nhạc thăng, trầm sẽ tạo nên một bản hòa âm đa thanh trong Ngày thơ, để rồi từ đó thơ Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam sẽ thăng hoa bởi bản hòa âm đất nước tuyệt vời.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202402/ban-hoa-am-dat-nuoc-6101211/