Bản hùng ca thầm lặng trong 'Bão ngầm'
Khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương được xem thêm một tác phẩm khắc họa rõ nét hình tượng người chiến sĩ công an trên sân khấu, sâu lắng hơn.
Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa diễn báo cáo vở Bão ngầm - vở cải lương sẽ tham dự liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân vào tháng 7 tới. Đây là lần đầu tiên Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng vở về hình tượng người chiến sĩ CAND và tham gia liên hoan.
Vở diễn được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản, soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn.
Nội dung câu chuyện xoay quanh tổ công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ theo dõi, điều tra một đường dây buôn bán ma túy cộm cán. Những chiến sĩ công an luôn phải đối diện với những hiểm nguy về tính mạng và cả những cám dỗ vật chất.
Thủy - một nữ cảnh sát được giao nhiệm vụ tiếp cận với bác sĩ - người em mà tên tội phạm ma túy khét tiếng vô cùng yêu quý, cưng chiều. Ban đầu, nhận nhiệm vụ, Thủy với niềm tin mãnh liệt, một lòng hoàn thành tốt công việc tổ chức giao cho. Thế nhưng quá trình phá án, Thủy đã đem lòng yêu chàng bác sĩ.
Tuấn - nam cảnh sát vô cùng yêu thương Thủy được phân công bọc lót, bảo vệ cho cô trong quá trình phá án nhưng luôn phải kìm lòng trước cảnh người mình yêu thương lại đang 'đi theo tiếng gọi con tim'.
Những con người dũng cảm trong chiến đấu chống tội phạm, cao cả trong tình yêu như Tuấn, như Thủy, cùng trải qua chiến đấu rồi tình yêu nảy nở, nhưng trái tim có lối đi riêng, dù không có duyên đôi lứa nhưng họ vẫn giành cho nhau sự trân trọng cảm phục một thứ tình đồng đội thật là cao đẹp. Tuấn đã hy sinh anh dũng vì nhiệm vụ, vì bảo vệ Thủy.
Vở diễn cũng phác họa số ít những kẻ tha hóa biến chất phản bội lại lý tưởng, phản bội đồng đội mình như phó trưởng phòng cảnh sát phòng chống ma túy Tuất, rồi vị phó chủ tịch tỉnh vì lòng tham, vì đồng tiền họ đã sa ngã.
Bão ngầm nói về lực lượng công an nhưng không phải chỉ là những chiến công mà là những miền nhân cách của con người, những điều ở tận sâu thẳm tâm hồn, trái tim của con người, những cái mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt. Những giằng xé, niềm vui, nỗi đau, khó khăn, hạnh phúc mà người chiến sĩ công an - ở vở này nhấn vào nữ cảnh sát trong quá trình làm nhiệm vụ thực sự là những cơn "bão ngầm".
NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: "Những cơn bão trong đời sống nội tâm, trong chính trái tim, khối óc của của con người luôn là những cơn bão bạo liệt, dữ dội, rất khốc liệt. Đây là những chất liệu rất tốt cho sân khấu cải lương nhưng đây cũng là một thách thức. Với các đề tài về đấu tranh phòng chống tội phạm, về cảnh sát hình sự, điện ảnh, kịch nói sẽ dễ khai thác hơn các loại hình kịch hát dân tộc, trong đó có cải lương. Sân khấu cải lương của chúng tôi là sân khấu của trữ tình và bay bổng, lãng mạn. Làm thế nào để xử lý một câu chuyện về người chiến sĩ công an mà lại vẫn giữ được sự trữ tình, bay bổng và lãng mạn là sự thách thức không nhỏ".
Vở kịch về đề tài công an nhân dân thường bị cho là khô khan khó chuyển tải ngay cả với sân khấu kịch nói nhưng trên sân khấu cải lương đã được làm mềm đi rất nhiều. Đạo diễn đã áp dụng nhiều thủ pháp vốn có của cải lương là chất tự sự, chất trữ tình bay bổng và cả tính bi tráng làm nổi bật tâm trạng số phận các nhân vật. Như đoạn Tuấn yêu đơn phương nhưng không được đáp lại, hay đoạn Thủy yêu Hùng nhưng khi phát hiện anh trai Hùng là trùm ma túy Thủy đã vật vã giằng xé giữa tình yêu và nhiệm vụ được giao, hay đoạn cuối Tuấn hy sinh vì nhiệm vụ.
Đạo diễn đã biến không gian sân khấu trở nên lãng mạn hơn. Không gian sân khấu là trái tim rất lớn và đây là câu chuyện xảy ra trong trái tim con người. Không có quá nhiều âm thanh giục giã, tiếng súng nổ vang mà có cả tiếng ghi ta thùng bập bùng.
Do đặc thù là kịch bản mang tính hình sự nên không thể thiếu các màn đánh đấm và ở phần này các màn võ thuật cũng mang tính nghệ thuật cao, vừa là các động tác thực vừa là những động tác kiểu quay chậm khiến người xem cảm thấy bớt căng thẳng. Hay như màn cấp cứu bệnh nhân, mọi động tác của các y bác sĩ trong quá trình cứu bệnh nhân như một thước phim quay chậm mà ở đó, diễn viên đã rất nhịp nhàng bằng ngôn ngữ cơ thể truyền tải cho người xem một cảnh trên sân khấu rất 'thơ'.
Thành công của vở kịch còn có sự góp phần rất lớn của dàn diễn viên. Thủy (Hồng Nhung) có cả thanh và sắc, ca vang, khỏe và rất ngọt ngào. Tuấn (Anh Tuấn) tuy không có lợi thế về vóc dáng nhưng giọng ca chắc, mỗi khi anh trổ giọng cũng khiến người nghe vỗ tay tán dương,..
Chỉ có điều người xem có phần mong chờ vở diễn đi sâu hơn nữa về sự biến chất của phó trưởng phòng cảnh sát phòng chống ma túy Tuất để thấy được sự tha hóa của một cảnh sát nhân dân sẽ nguy hiểm như thế nào đối với nhân dân và đồng đội. Về điều này, NSND Quỳnh Mai chia sẻ, đây là vở diễn báo cáo, trong quá trình chuốt vở, ekip sẽ cân nhắc để vở diễn khi tham gia liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an vào tháng 7 tới sẽ 'nuột' hơn nữa.
Bão ngầm là tiểu thuyết của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu (Báo CAND). Tác phẩm phản ánh thực tế khốc liệt của cuộc đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự của lực lượng CAND, từng đạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, giai đoạn 2012-2015. Tiểu thuyết đã được tác giả chuyển thể thành kịch bản phim Cảnh sát hình sự cùng tên, gồm 45 tập với hơn 2.000 trang viết. Phim đã được khởi quay năm 2019.