Băn khoăn ẩm thực từ hoa ban
Hoa ban được coi là biểu trưng cho đất và người Điện Biên, với vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ nhọc nhằn đá núi. Hoa ban đã đi vào đời sống tinh thần, gắn bó với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc và trở thành tài sản chung của nhân dân Điện Biên - Tây Bắc.
Triển khai thực hiện chủ trương về phát triển cây ban, những năm qua hàng trăm héc-ta cây ban đã được trồng tại các huyện, thị xã, thành phố tạo điểm nhấn về cảnh quan, môi trường góp phần thu hút, phát triển du lịch Điện Biên. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực gìn giữ, phát triển ban thì tình trạng khai thác hoa ban tại các khu vực công cộng phục vụ mục đích kinh doanh và chế biến các món ăn vẫn diễn ra làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ban. Đây cũng là những băn khoăn của đại biểu HĐND tỉnh được đưa ra làm rõ tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 17 vừa qua.
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh tỏ ý băn khoăn khi hiện nay trên địa bàn tỉnh một số cuộc thi ẩm thực, nhà hàng, khách sạn sử dụng hoa ban để chế biến các món ăn, trong khi hoa ban đang được tỉnh bảo tồn và phát triển phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là tổ chức Lễ hội Hoa Ban - thương hiệu du lịch của tỉnh Điện Biên. Do đó, đại biểu đề nghị thời gian tới UBND chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới nhân dân, không quảng bá, khuyến khích, tuyên truyền các món ăn chế biến từ hoa ban, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây ban.
Thực tế, từ trước đến nay vào mỗi độ hoa ban nở trên các mâm cỗ mời khách tại các nhà hàng, khách sạn và thậm chí là tại các gia đình, các món ăn được chế biến từ hoa ban xuất hiện khá phổ biến, nhất là món nộm hoa ban. Trên thanh công cụ tìm kiếm Google, chỉ cần đánh cụm từ “các món ăn chế biến từ hoa ban” ngay lập tức chỉ trong vòng 0,36 giây đã cho ra hơn 40.200 kết quả. Đưa ra những số liệu này để thấy rằng mức độ phổ biến của các món ăn được chế biến từ hoa ban là rất rộng, rất lớn.
Tại nhà hàng Lẩu then quán, theo anh Nguyễn Trọng Thọ, chủ nhà hàng, vào mùa hoa ban nở thì các món ăn được chế biến từ hoa ban là một trong những món ăn phổ biến trong thực đơn khách hàng đặt. Nguyên liệu chính để chế biến các món ăn từ ban như nụ, hoa và cả ngọn ban chủ yếu được người dân hái từ các vùng lân cận mang đến bán cho nhà hàng.
Không chỉ bán cho các nhà hàng kinh doanh ăn uống, hoa ban còn được người dân khai thác phục vụ chế biến món ăn trong gia đình và bày bán tại các chợ. Mỗi độ hoa ban nở, tại các chợ dân sinh, không khó để bắt gặp hình ảnh những nụ, hoa và ngọn ban được người dân bày bán.
Do việc khai thác chưa hợp lý, nhiều người dân chưa ý thức được hành động chặt, bẻ cành cây ban nói riêng và cây xanh nói chung nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật nên tình trạng này vẫn diễn ra, tạo hình ảnh xấu, gây bức xúc cho nhiều người. Đơn cử, mùa hoa ban vào tháng 3/2024, Công an xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng đã phải lập biên bản xử lý một số đối tượng có hành vi chặt phá cây hoa ban để lấy nụ, hoa ban tại đèo Tằng Quái, huyện Mường Ảng.
Trước thực tế đã diễn ra và những băn khoăn của đại biểu về việc sử dụng hoa ban chế biến món ăn làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây ban, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 17 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn đã làm rõ nội dung trên. Theo đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc việc bảo tồn, phát huy giá trị của hoa ban tại các khu vực, vị trí được quy hoạch, các địa điểm bảo tồn hoa ban để phát triển du lịch. Đối với các khu vực còn lại sẽ linh động và khai thác hợp lý, phù hợp với phong tục, tập quán và sinh hoạt của người dân góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của người dân Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung để tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và thu hút du lịch.
Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển cây ban trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, ngày 10/9/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17 về việc bảo vệ và phát triển cây ban, cây hoa anh đào trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết đã chỉ rõ: Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ bảo vệ và phát triển 400ha rừng ban tự nhiên và trồng mới 30.000 cây ban. Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích cây ban tự nhiên được bảo vệ và phát triển là 1.500ha.
Tiếp đó, ngày 20/9/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bảo vệ và phát triển cây ban giai đoạn 2019 - 2025. Với tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng, dự án nhằm triển khai bảo vệ 1.500ha cây ban tự nhiên và trồng tập trung 300ha cây ban. Trong đó, năm 2020 bảo vệ 400ha cây ban tự nhiên và trồng tập trung 100ha cây ban; từ năm 2021 - 2025 bảo vệ và phát triển 1.500ha cây ban tự nhiên và trồng tập trung 200ha. Dự án được triển khai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé và Điện Biên Đông. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện tại địa bàn thành phố và huyện Điện Biên.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng cây ban, bảo vệ tốt diện tích ban sẵn có thì cần có quy hoạch cụ thể đối với những diện tích cây ban được khai thác và có hướng dẫn khai thác hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và tổn hại cảnh quan thiên nhiên. Việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và khai thác, cùng với đó là nâng cao ý thức chung tay bảo vệ cây ban cho người dân, sẽ góp phần hiệu quả trong việc việc phát triển cây ban trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch Điện Biên.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/ban-khoan-am-thuc-tu-hoa-ban