Băn khoăn 'chạy điểm' học bạ, vì sao các trường vẫn tăng chỉ tiêu xét?
Nhiều luồng ý kiến lo ngại tình trạng chạy điểm, làm đẹp kết quả học bạ, nhưng vì sao các trường đại học vẫn tăng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này?
Theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT hai năm gần đây (2021, 2022), độ chênh giữa điểm thi tốt nghiệp luôn thấp hơn điểm trung bình môn trong học bạ từ 0,5 đến 3 điểm. Điều này cho thấy, việc kiểm tra đánh giá định kỳ học sinh chưa đúng thực chất, năng lực. Nhiều người lo ngại tình trạng làm đẹp học bạ, chạy điểm.
Tuy nhiên, hiện hầu hết các trường đại học, cao đẳng vẫn dùng điểm học bạ để xét tuyển. Nhiều trường tuyển đến 70% tổng chỉ tiêu, tỷ lệ này tăng đều qua các năm.
Tăng chỉ tiêu xét học bạ lên 12 lần
Sau nhiều năm bỏ xét tuyển học bạ, năm nay trường Đại học Nha Trang lại quay về xét tuyển bằng phương thức này với 40% tổng chỉ tiêu. Đặc biệt, trường thay thế phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT bằng phương thức xét học bạ cho tất cả các ngành, chương trình đào tạo của trường.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến tuyển 6.610 chỉ tiêu bằng 4 phương thức. Đặc biệt, trường dành 70% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ (tăng 10% so với năm 2022). Trong đó 30% xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 40% xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.
Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tăng chỉ tiêu xét học bạ lên 65% gấp 12 lần so với năm 2018 - lần đầu áp dụng xét học bạ. Cụ thể, năm 2018, 2019, trường dành 5% tổng chỉ tiêu cho xét học bạ. Đến 2020 tăng lên 35% và năm 2021 và 2022 là 60% tổng chỉ tiêu.
Trường Đại học Khánh Hòa lần đầu tiên xét tuyển học bạ với 25% tổng chỉ tiêu. Năm nay, trường tăng lên 65% tổng chi tiêu cho phương thức xét học bạ.
Tương tự, học bạ dần trở thành phương thức xét tyển chủ đạo của trường Đại học Phạm Văn Đồng. Năm nay, trường dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ.
Năm 2016, Đại học Huế lần đầu tiên sử dụng phương thức xét học bạ. Từ đó đến năm 2019, phương thức này chỉ được sử dụng cho một số ngành. Đến nay, phương thức xét học bạ THPT được đại học này áp dụng cho hầu hết các ngành (trừ khối y dược và một số ngành kinh tế), tăng lên tới 60% chỉ tiêu. Trong khi đó, phương xét tuyển học bạ kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều trường sử dụng với chỉ tiêu chiếm đến 60 - 70% tổng chỉ tiêu.
Dự kiến tuyển 9.900 chỉ tiêu, trường Đại học Công nghệ TP.HCM dành 53% tổng chỉ tiêu cho xét học bạ.
Đại học Sư phạm TP.HCM năm nay tuyển 3.500 chỉ tiêu. Trong đó, 40% chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực kết hợp điểm học bạ THPT, tăng gấp đôi so với năm trước, đồng thời giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các trường lý giải
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Đại học Công nghệ TP.HCM, những năm gần đây thí sinh có xu hướng quan tâm đến phương thức xét tuyển học bạ, xét tuyển riêng. Vì thế hầu hết các trường đại học đều tăng chỉ tiêu cho các phương thức này hơn so với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Có thể thấy, phương thức xét học bạ dần trở nên phổ biến vì những ưu điểm như giúp thí sinh chủ động lựa chọn thời gian xét tuyển, giảm áp lực thi cử với kỳ thi tốt nghiệp, cơ hội chọn ngành nghề đa dạng, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình chứ không bị phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất.
Đại diện trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) cho biết, dù điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT vênh nhau nhưng kết quả đánh giá bằng học bạ vẫn tương đối chính xác với khoảng 70-80% học sinh. Do đó, xét tuyển bằng học bạ vẫn là phương thức tốt bởi điểm này đánh giá quá trình rất dài, có độ tin cậy nhất định. Đây cũng là phương thức hiệu quả, tiết kiệm trong bối cảnh công nghệ số, cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh.
"Với cơ sở dữ liệu tốt cùng những thống kê, đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ cũng như căn cứ vào chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, các trường có thể tính toán để đưa ra mức điểm hay các tiêu chí phù hợp để xét tuyển bằng học bạ một cách chất lượng, tuyển được sinh viên đủ năng lực theo học từng ngành", đại diện nói. Hiện trường vẫn sử dụng phương thức này để xét tuyển và hạn chế với những ngành top đầu, đặc biệt là ngành sức khỏe, kỹ thuật.
Lý giải về việc tăng chỉ tiêu xét học bạ những năm qua, ông Phan Phiến, Hiệu trưởng trường Đại học Khánh Hòa cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề, chung đáp án sẽ cho ra kết quả công bằng nhất. Học bạ mỗi trường đánh giá khác nhau, không có thang đo chung. Tuy nhiên, trong điều kiện trường mới thành lập, mức độ cạnh tranh với các trường lớn thực sự khá khó khăn, trường buộc phải sử dụng phương thức xét học bạ để có thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, ông Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, việc tăng xét tuyển học bạ do đặc điểm của từng trường. "Chúng tôi chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các trường thuộc đại học quốc gia hay các trường đại học lớn trong việc thu hút thí sinh. Hơn nữa, tâm lý học sinh vẫn thích về học tại TP.HCM hơn ở tỉnh. Do đó, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không tăng, nếu không đa dạng phương thức sẽ khó tuyển sinh. Học bạ là phương thức giúp học sinh an tâm. Khi không trúng tuyển ở các trường đại học lớn khác, thí sinh sẽ quay về nhập học", ông Điệp nói.
TS Lưu Văn Huyền, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đánh giá, phương thức xét tuyển học bạ tạo nhiều thuận lợi cho cả trường đại học và thí sinh.
Với công tác tuyển sinh của các trường, kết quả học bạ có tính pháp lý, là một trong những thước đo, giúp xác nhận năng lực học tập của thí sinh toàn diện (đa dạng về môn học, tổ hợp).
Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức này ngày một nhiều bởi xét học bạ thuận tiện, thí sinh có thời gian, cơ hội chuẩn bị kết quả trong suốt ba năm THPT, được tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học. "Thời gian thu nhận hồ sơ xét tuyển sớm, giúp các em ổn định tâm lý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT", ông Huyền nói.
Nhiều cử tri từng kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ xét tuyển đại học qua học bạ do nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm". Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.