Băn khoăn chuyện... hết dự án thì 'nghèo lại hoàn nghèo'
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 30-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Cần rà soát, xem xét lại các tiêu chí
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là một điểm sáng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
Kế thừa và phát huy kết quả thực hiện các chương trình này, Quốc hội đã tiếp tục ban hành 3 nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
“Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế - xã hội, làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp.
Tính đến 30-6-2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30-6-2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới…
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 có kinh phí tối thiểu khoảng 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh. Kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6-2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Theo báo cáo, Chương trình đến nay đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, song trên thực tế, Đoàn giám sát nhận định: Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. (Theo TTXVN)
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.
“Thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi hiệu quả, mang lại thực sự bền vững, lâu dài”, đại biểu Trần Quang Minh kiến nghị.
Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp nhưng nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa đối với từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hằng năm luôn chậm nhưng không được khắc phục triệt để ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.
Trên cơ sở kết quả giám sát, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) kiến nghị, việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là phù hợp nhưng đối với các vùng, khu vực thuộc đối tượng chính sách, có đối tượng chính sách cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán cư trú, không thể đánh đồng với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn.
Còn hiện tượng không muốn thoát nghèo
Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.
Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ.
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) về vấn đề quản lý kết quả đầu ra, đại biểu Tạ Văn Hạ đề cập rõ hơn sau khi tiếp xúc cử tri, Đoàn Quảng Nam đã kiến nghị Đoàn giám sát cần xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, Trung ương chỉ quản lý theo các mục tiêu, các chỉ tiêu, còn cách làm thì cho phép tỉnh được chủ động, đây mới là tháo gỡ chính.
Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: Bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ năm. Theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn này trở thành thôn, xã nông thôn mới”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cho biết, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.
“Tôi đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiện mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu.
Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.
Kết thúc phiên họp sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 18 ý kiến đại biểu phát biểu, có 3 ý kiến tranh luận; đồng thời cho biết chiều nay các đại biểu tiếp tục thảo thảo luận nội dung này.