Băn khoăn của GV về khảo sát năng lực tiếng Anh: Giám đốc Sở GD TPHCM làm rõ

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ những vấn đề mà giáo viên đang quan tâm về đợt khảo sát năng lực tiếng Anh đang được tổ chức.

Ngày 15/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Cụ thể: giáo viên sẽ tham gia thực hiện một bài trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài là 90 phút, bao gồm các kỹ năng là Nghe, Đọc, Viết để nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn Châu Âu CEFR (từ A1 đến C2).

Bài khảo sát này được thiết kế, chuẩn hóa bởi Cambridge Assessment English, đảm bảo tính khách quan, khoa học và có độ tin cậy cao trong đánh giá trình độ tiếng Anh của giáo viên. Đơn vị hỗ trợ Sở về mặt hệ thống, phần mềm.là Công ty Cổ phần giáo dục ISMART (thuộc Tập đoàn EQuest).

 Giao diện website khảo sát năng lực tiếng Anh dành cho giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Giao diện website khảo sát năng lực tiếng Anh dành cho giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Việc thực hiện các bài khảo sát này giáo viên có thể làm trên máy tính hay các thiết bị di động tại địa chỉ https://englishsurvey.hcm.edu.vn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên đang dạy cấp trung học phổ thông trên địa bàn Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bản thân thầy là giáo viên dạy môn Toán cũng vừa hoàn thành bài khảo sát năng lực tiếng Anh do Sở yêu cầu.

Tuy nhiên, thầy cũng như nhiều giáo viên khác đang rất băn khoăn, thắc mắc rằng, nếu kết quả bài khảo sát này không đạt được như mong muốn, thì thầy hay những giáo viên đó có phải đi học bồi dưỡng thêm về tiếng Anh trong thời gian sắp tới hay không?

“Hay là lại như trong học kỳ 1 vừa qua, giáo viên của thành phố cũng đã phải trải qua một đợt khảo sát về chuyển đổi số, và sau đó những giáo viên nào chưa đạt được như yêu cầu thì phải đóng 500.000 đồng cho một trường đại học đóng trên địa bàn thành phố để ôn…”, thầy giáo này đặt vấn đề.

Song song đó, việc xuất hiện hai văn bản do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành cùng vào ngày 15/4/2025, một văn bản là kế hoạch khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của giáo viên, cán bộ quản lý trường học trên địa bàn thành phố, còn văn bản còn lại là thông báo về việc mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Địa điểm học là tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo toàn bộ chi phí chi thường xuyên)

Điều này có thể khiến cho dư luận và đông đảo giáo viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn rằng, có phải kết quả khảo sát không đạt thì sẽ phải đăng ký học bồi dưỡng tại đây?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, đợt khảo sát này không phải là một kỳ thi để đánh giá chuyên môn của giáo viên, và kết quả khảo sát cũng không phải sử dụng cho một mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay một mục đích cá nhân nào khác.

Kết quả khảo sát của thầy cô sẽ được bảo mật tuyệt đối, chỉ có chính bản thân các thầy cô tham gia khảo sát, và tổ giúp việc của Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” (là bộ phận chuyên trách được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để phục vụ xây dựng kế hoạch chung) mới được tiếp cận với kết quả khảo sát.

Những thầy cô nào có vấn đề về sức khỏe, hay thời gian giảng dạy còn lại dưới 10 năm… thì hiệu trưởng các trường có thể không đưa vào danh sách làm bài khảo sát. Tham gia vào đợt khảo sát này chính là dịp để thầy cô nhìn lại, tự đánh giá một cách khách quan nhất năng lực tiếng Anh của cá nhân mình.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh rằng, kết quả của đợt khảo sát này chỉ mang tính chất tham khảo, thống kê về mặt dữ liệu, nên sẽ không có khái niệm đạt hay không đạt ở đợt khảo sát lần này.

Kết quả khảo sát chính là căn cứ để Sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên trên địa bàn thành phố, với nhiều loại hình bồi dưỡng khác nhau.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc học bồi dưỡng sẽ do chính thầy cô lựa chọn hình thức, phương pháp và cả đơn vị giảng dạy phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, thậm chí là chính bản thân các thầy cô cũng có thể tự học miễn là đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, những giáo viên có năng lực tiếng Anh tốt, có nguyện vọng tham gia giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh thì sẽ được lựa chọn đi bồi dưỡng. Những giáo viên này sẽ được bồi dưỡng bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước, theo chương trình của thành phố.

Song song đó, Sở cũng sẽ có tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chế độ phụ cấp đặc biệt dành cho giáo viên giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ban-khoan-cua-gv-ve-khao-sat-nang-luc-tieng-anh-giam-doc-so-gd-tphcm-lam-ro-post250924.gd