Nga bất ngờ nhượng bộ Mỹ: Nước cờ trấn an ông Trump hay 'bẫy hiểm' với Ukraine

Các quan chức phương Tây cho rằng, Nga đang gửi tín hiệu có thể chấp nhận thỏa thuận hòa bình do Mỹ bảo trợ - ngay cả khi thỏa thuận đó không đáp ứng được tất cả các điều kiện tối đa của nước này - như một cách để làm an lòng Tổng thống Donald Trump và tạo ra bẫy chính trị đối với Ukraine.

Bẫy chính trị với Ukraine?

Chiến thuật của Moscow khi đưa ra giọng điệu hòa giải hơn dường như đang có hiệu quả sau khi ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục rằng Nga đã đồng ý thỏa thuận hòa bình, chỉ còn rào cản là Ukraine.

Giao tranh tại Ukraine vẫn diễn ra ác liệt bất chấp nỗ lực của Mỹ thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Ảnh: RBC-Ukraine

Giao tranh tại Ukraine vẫn diễn ra ác liệt bất chấp nỗ lực của Mỹ thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Ảnh: RBC-Ukraine

Theo một số nguồn thạo tin, Mỹ đã đưa ra đề xuất sẽ loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine, chấp nhận việc Nga sáp nhập bản đảo Crimea và không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh thực sự nào cho Kiev. Những điều khoản này sẽ gây tổn hại sâu sắc cho Ukraine nếu Tổng thống Zelensky chấp nhận.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thỏa thuận hòa bình vẫn còn nhiều chông gai, đặc biệt là sau khi ông Trump chỉ trích Nga tiến hành một cuộc không kích dữ dội vào thủ đô Kiev vào sáng sớm 24/4. Ukraine cho biết, đã có ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. "Tôi không hài lòng với các cuộc tấn công của Nga vào Kiev. Đây là cuộc tấn công không cần thiết, diễn ra vào thời điểm rất tệ", ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.

Nhưng chiến thuật của Nga dường như có hiệu quả: Tổng thống Trump đổ lỗi cho Ukraine đã gây cản trở các cuộc đàm phán hòa bình sau khi Tổng thống Zelensky bày tỏ sự nghi ngờ về một số điều khoản, trong đó có cả việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea - điều mà một quan chức Mỹ giấu tên cho là "viên thuốc độc" đối với Ukraine.

Thoạt nhìn, thỏa thuận do Mỹ đề xuất dường như không đáp ứng được các yêu cầu tối đa của các quan chức Nga, bởi thiếu việc đảm bảo Ukraine trung lập, cũng như công nhận quyền kiểm soát hoàn toàn của Moscow đối với bốn khu vực tiền tuyến của Ukraine như Zaporizhzhia, Kherson, Donetsk và Luhansk. Nhưng các quan chức phương Tây và nhiều nhà phân tích Nga cho rằng, đề xuất này sẽ gây tổn hại về mặt chính trị cho ông Zelensky, mở đường cho Nga giành thêm lãnh thổ Ukraine sau này, và do đó, Moscow có thể ủng hộ đề xuất.

Kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ vào dịp lễ Phục sinh vào cuối tuần qua, các nhà phân tích và thành viên của giới tinh hoa Nga cho rằng Điện Kremlin có thể đồng ý từ bỏ mục tiêu tối đa của họ trong cuộc xung đột, ít nhất là tạm thời.

Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao của Trung tâm Carnegie Russia Eurasia nhận định: “Ông Putin có thể thay đổi chiến thuật. Tôi không loại trừ khả năng ông ấy có thể đồng ý. Nhà lãnh đạo Nga có thể coi đây là giai đoạn chuyển tiếp và chờ đợi sự thay đổi chính trị bên trong Ukraine”.

"Rủi ro chính trị đối với Ukraine cao hơn nhiều so với Nga. Đề xuất của ông Trump đòi hỏi sự nhượng bộ rất lớn đối với Ukraine. Đối với ông Zelensky, đây có thể là khởi đầu của hồi kết”, bà Tatiana Stanovaya nói thêm.

Nếu Ukraine chấp nhận những điều khoản trong đề xuất của Mỹ, đặc biệt khi không có cam kết đảm bảo an ninh rõ ràng thì điều này sẽ gây tổn hại về mặt chính trị cho ông Zelensky, làm suy yếu sự ủng hộ dành cho ông và tạo ra cơ hội lớn cho Moscow. Sergei Markov, nhà phân tích chính trị liên hệ với Điện Kremlin, lưu ý điều này cũng sẽ tạo cớ cho Nga đổ lỗi cho Ukraine về bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận nào trong tương lai.

Nước cờ trấn an ông Trump

Động thái của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio cho rằng sự kiên nhẫn của chính quyền đang bắt đầu cạn kiệt trước những thách thức rõ ràng của một cuộc xung đột mà ban đầu ông Trump nói rằng ông có thể giải quyết trong vòng 24 giờ.

Một quan chức châu Âu cho rằng “Nga đang nóng lòng muốn gây ấn tượng tốt với Trump. Họ muốn chứng minh Ukraine là bên muốn kéo dài cuộc xung đột và với ông Trump, điều đó có thể đúng. Moscow dường như nhận ra rằng họ khó có thể đạt được bước tiến đột phá về mặt quân sự, vì thế cần có một số thay đổi về chiến thuật".

Việc thay đổi cách tiếp cận của Moscow diễn ra khi tốc độ tiến quân của Nga ở Ukraine đang bị chững lại và lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây thiệt hại ngày càng lớn đối với nền kinh tế nước này. Trong nhiều tháng qua, các ngân hàng Nga đã phải tăng lãi suất đã ở mức cao ngất ngưởng – 21% để kiềm chế lạm phát. Sự sụt giảm của giá dầu trong thời gian gần đây cũng khiến Nga giảm doanh thu và ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động quân sự tại Ukraine.

Các nhà kinh tế và quan chức châu Âu đã lập luận rằng Mỹ sẽ có đòn bẩy lớn hơn nhiều nếu họ thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt thay vì đưa ra nhượng bộ như trao cho Moscow 20% lãnh thổ Ukraine mà họ đã chiếm giữ được suốt thời gian qua.

Nga đã tìm cách thiết lập lại quan hệ với nước Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump để giảm bớt tình trạng cô lập. Một nhóm các nhà chiến lược của Điện Kremlin đã hối thúc Tổng thống Putin tận dụng áp lực của Mỹ đối với Ukraine trước khi tổng thống Mỹ chuyển sự chú ý sang nơi khác, quan chức này nói thêm.

“Nga cần phải chứng minh nước này theo đuổi lập trường mang tính xây dựng trong vấn đề Ukraine để đặc phái viên Witkoff có thể thuyết phục tổng thống Trump thiết lập lại quan hệ ngay cả khi Moscow không đưa ra những nhượng bộ lớn”, một quan chức Mỹ lưu ý.

“Việc ông Trump thể hiện sự tức giận sau khi Tổng thống Putin đề xuất hồi cuối tháng 3/2025 rằng Ukraine nên tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc để bầu ra một chính phủ mà ông gọi là “có năng lực” hơn là lời cảnh tỉnh mà Moscow đã nhận được”, ông Thomas Greminger, người đứng đầu Trung tâm Chính sách An ninh Geneva lưu ý.

Ông Greminger cảnh báo, mặc dù Nga có thể theo đuổi lập trường hòa giải hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ nhưng ông tin rằng các bên vẫn khó đạt được thỏa thuận mang tính đột phá.

Một số nhà phân tích khác lưu ý, Nga dường như đang tìm cách đảm bảo bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ dẫn đến việc chấm dứt nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine. “Nếu Tổng thống Trump muốn thỏa thuận lệnh ngừng bắn, ông ấy có thể ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Và việc ký kết lệnh ngừng bắn như vậy sẽ được coi là lý do chính đáng để ông Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga”.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-bat-ngo-nhuong-bo-my-nuoc-co-tran-an-ong-trump-hay-bay-hiem-voi-ukraine-post1195102.vov