Băn khoăn đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT 0% hay 5%

ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên phải tính vào giá thành sản phẩm, gây bất lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Nông dân vẫn chịu thiệt thòi nhất

Đề xuất đưa mặt hàng phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… vào đối tượng chịu thuế VAT 5% được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến và có nhiều ý kiến trái chiều tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận ở Nghị trường tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH Phan Đức Hiếu.

ĐBQH Phan Đức Hiếu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, do mặt hàng phân bón hiện nay không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nên các chi phí đầu vào để sản xuất ra mặt hàng này không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đây chính là một điểm gây bất lợi cho doanh nghiệp và làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh.

Do đó, theo đại biểu, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế GTGT vào đối tượng chịu thuế GTGT như tờ trình của Chính phủ là quyết định đúng đắn, hợp lý và cần thiết.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên họ phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí sản xuất giảm nên họ có dư địa lớn để cạnh tranh, giảm giá.... Vấn đề mấu chốt hiện nay là nên áp thuế 0% hay 5% đối với mặt hàng này.

"Nếu đứng từ góc độ người tiêu dùng thì tôi cho rằng áp thuế 0% có cơ hội giảm giá phân bón hơn so với mức 5% hoặc ít nhất là không làm tăng giá phân bón do đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế VAT", đại biểu Phan Đức Hiếu cho hay.

GĐề xuất áp thuế VAT với phân bón gúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân.

GĐề xuất áp thuế VAT với phân bón gúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân.

Nêu quan điểm với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, đối với nông nghiệp, cần xác định sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm thiết yếu với nông dân.

"Nông dân chịu nhiều thiệt thòi nhất, bị gặp rủi ro phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết. Chủ yếu lấy công làm lãi, nên có địa phương xuất hiện tình trạng hoang hóa đất công. Trong khi đó, phân bón là sản phẩm đầu vào rất quan trọng, giá thành hiện nay cũng rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp", ông Tú nói.

Ông Tú phân tích, nên áp dụng mức thuế VAT 0% để nông dân "dễ thở", còn nếu áp mức thuế suất 5% thì giá phân bón tăng lên, đến tay người tiêu dùng tăng lên là không ổn.

"Tất nhiên, khi tăng 5% VAT thì có điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp sản xuất phân bón hơn. Nhưng, phải tính đến quyền lợi người nông dân cao nhất", ông Tú chia sẻ và cho rằng không nên áp mức thuế 5%.

Hoàn thuế tạo nguồn lực cho doanh nghiệp

Trong khi đó, khi thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) góp ý về khoản 2 Điều 9 quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có phân bón.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Nếu luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng.

"Nếu dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất", bà Vang lo lắng.

Còn nếu dự thảo luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Theo bà Tô Ái Vang, Quốc hội và Chính phủ nên chọn phương án nào được cho nông dân để thể hiện rõ các chính sách sẽ được luật hóa.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) lại bày tỏ tán thành việc áp 5% thuế VAT đối với mặt hàng phân bón.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách Nhà nước. Đại biểu cũng cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan,...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình lảm rõ vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình lảm rõ vấn đề ĐBQH nêu.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đưa mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5% để đảm bảo không mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu; đồng thời, khi hoàn thuế thì sẽ tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, phát triển một cách bền vững. Bộ trưởng cũng cho rằng, giá cả tăng không hẳn là từ thuế mà còn bị tác động bởi cung - cầu.

Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá tác động, nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón, mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng; một tháng là 38.000 đồng.

Bộ trưởng tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ đánh giá tác động một lần nữa về đề xuất này và trình Quốc hội vào cuối năm 2024.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bai-3-ban-khoan-dua-phan-bon-vao-doi-tuong-chiu-thue-vat-0-hay-5-204240731161716648.htm