Băn khoăn mức đóng BHXH

Đề xuất liên quan đến mức đóng BHXH của dự thảo Luật BHXH đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp và người lao động

Mới đây, 8 hiệp hội, ngành hàng gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Điện tử Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM đã có văn bản góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Tại văn bản này, cả 2 phương án tiền lương tính đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) mà ban soạn thảo đề xuất đều khiến các hiệp hội băn khoăn.

Các phương án chưa tối ưu

Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, tiền lương tính đóng BHXH theo phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành, tức tiền lương tính đóng gồm lương tháng, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể. Phương án 2, tiền lương tính đóng gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, hỗ trợ hoặc trợ cấp ngoài công việc).

Chọn phương án đóng BHXH ở mức nào cũng phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động .Ảnh: CAO HƯỜNG

Chọn phương án đóng BHXH ở mức nào cũng phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động .Ảnh: CAO HƯỜNG

Theo các hiệp hội, nếu chọn phương án 1, NLĐ và DN sẽ bớt áp lực đóng BHXH. Song điều này làm mất tính đồng bộ của chính sách, bất bình đẳng giữa các DN, tăng khoảng cách thu nhập khi đi làm và về hưu của NLĐ tại các DN. Trong khi đó, phương án 2 có tỉ lệ đóng BHXH cao sẽ tạo áp lực cho DN, giảm sức cạnh tranh và NLĐ sẽ giảm thu nhập.

Bên cạnh đó, so với một số nước trong khu vực như: Malaysia, Philippines, Indonesia... thì mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, ốm đau - thai sản tại Việt Nam hiện quá cao (tổng 25%: NLĐ đóng 8% và DN đóng 17%). Do đó, cả 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất 2 phương án giảm tỉ lệ đóng BHXH. Cụ thể, phương án 1 là giảm tỉ lệ đóng của NLĐ còn 5%, DN đóng 15% và sàn đóng BHXH sẽ không dựa vào mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác mà căn cứ đóng trên 70% tổng thu nhập thực tế của NLĐ. Với phương án 2, nhóm này đề xuất NLĐ đóng 4%, DN đóng 12% và mức đóng dựa trên thu nhập thực tế (trừ các khoản không mang tính chất lương).

Theo ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), so với mức thu nhập và mức sống của người Việt Nam hiện nay, mức đóng 17% đối với DN và 8% đối với NLĐ là hơi cao. Bên cạnh đó, khoản đóng BHXH hiện tại đang được chia nhỏ gồm lương, phụ cấp, trợ cấp dẫn đến tình trạng DN "lách luật" gây bất lợi cho NLĐ. Do đó, tổng tỉ lệ đóng của cả DN và NLĐ là 20% và đóng căn cứ vào mức thu nhập thực tế sẽ hợp lý hơn.

Khó đóng trên thu nhập thực tế

Đối với đề xuất đóng BHXH ở mức 70% thu nhập mà các hiệp hội đưa ra, bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Giày Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng không khả thi.

Theo bà Thu, với phương án này, nếu DN thực hiện đúng thì khả năng mức đóng BHXH của cả DN và NLĐ sẽ tăng lên do hiện phần lớn các DN đều đóng BHXH dựa trên mức lương cơ bản của NLĐ. Vấn đề là sẽ có bao nhiêu DN thực hiện đúng hay sẽ tìm cách lách luật, biến các khoản phụ cấp lương thành khoản không mang tính chất lương hay tiền thưởng, hỗ trợ hoặc trợ cấp ngoài công việc, khiến NLĐ thiệt thòi. "Vì vậy, nếu chưa có phương án nào tối ưu thì nên giữ nguyên phương án 1 theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi" - bà Thu đề xuất.

Bà Lê Thanh Hằng - trưởng phòng nhân sự một DN tại quận 12, TP HCM - cũng đề nghị nên duy trì quy định như hiện hành nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát buộc DN đóng BHXH đúng quy định, khi đó, mức đóng BHXH của NLĐ sẽ được cải thiện theo ý đồ của ban soạn thảo. Nếu thực hiện phương án 2 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi, tức tính cả các khoản khác vào khoản đóng BHXH (ví dụ phụ cấp chuyên cần, tăng ca, làm đêm...), tức mức đóng sẽ biến động theo từng tháng, khiến cả DN và NLĐ gặp khó khăn trong việc theo dõi, tính toán khoản đóng.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), chọn phương án 2 của dự thảo. Ông Phúc lý giải ở một số DN có Công đoàn cơ sở hoạt động mạnh, ngoài lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp trong hợp đồng lao động còn có thêm nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp khác do Công đoàn thương lượng được với chủ DN và đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Nếu áp dụng phương án 1 sẽ bỏ sót quyền lợi của NLĐ.

Quan trọng là ý thức của doanh nghiệp

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho rằng việc đóng BHXH cho NLĐ căn cứ trên mức thu nhập thực tế rất khó khả thi vì hiện nay chỉ có DN và NLĐ biết được thu nhập thực tế của NLĐ. Do đó, một khi DN và NLĐ thỏa thuận lách luật, cơ quan BHXH cũng sẽ khó có cơ sở để làm căn cứ xác định mức đóng BHXH. Mặt khác, thang bảng lương do DN tự xây dựng, quyết định, trong đó tổng thu nhập của NLĐ được chia nhỏ thành nhiều khoản gồm lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng... với mục đích giảm chi phí đóng BHXH. Cho nên, dù chọn phương án nào của dự thảo, mục đích cải thiện mức đóng BHXH cho NLĐ cũng khó thành hiện thực nếu ý thức DN không thay đổi. Vì thế, ngoài sự tự giác của DN, cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng và có chế tài đủ mạnh để thúc đẩy DN thực thi đúng pháp luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/ban-khoan-muc-dong-bhxh-20230508200714778.htm