Băn khoăn quy định 'không cắt ngắn móng tay' bị phạt tới 6 triệu đồng

Nghị quyết 49 của HĐND Tp.Hà Nội (hướng dẫn thực thi Luật Thủ đô) có nêu hành vi 'không cắt ngắn móng tay' khi chế biến thực phẩm bị phạt 2-6 triệu đồng. Điều này sẽ khó áp dụng nếu không quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Đặc quyền cho Hà Nội từ Luật Thủ đô

Ngày 10/5, Chi Hội Luật gia phường Bưởi (quận Tây Hồ, Tp.Hà Nội) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và trợ giúp pháp lý cho người dân có nhu cầu.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Tuấn – báo cáo viên, nguyên Chánh Thanh tra quận Tây Hồ, Trưởng văn phòng luật sư Tuấn Lan đã tuyên truyền Luật Thủ đô tới các đại biểu và người dân.

Ông cho biết, Luật Thủ đô ra đời năm 2012 và khi đó còn rất sơ khai với 4 Chương, 27 Điều. Để đáp ứng đúng "tầm vóc" của Thủ đô, Luật Thủ đô 2024 đã được sửa đổi, bổ sung thành 7 Chương với 54 Điều.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Chính phủ ban hành 6 nghị định (nhiều hơn Luật Đất đai), trong khi HĐND và UBND Tp. Hà Nội cần ban hành 106 Nghị quyết (hiện mới ban hành được 17 Nghị quyết) hướng dẫn thi hành. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của một Luật đặc thù cho Hà Nội.

Ông Tuấn đánh giá, Luật Thủ đô sửa đổi là một "đặc quyền" đề Hà Nội thực thi, triển khai, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại do sự chồng chéo với luật khác.

Đơn cử như việc cải tạo nhà tập thể cũ, nếu theo quy định Luật Xây dựng và các quy định liên quan thì không được phép xây lại 30-40 tầng, dẫn đến "bế tắc" trong việc thu hút chủ đầu tư tham gia cải tạo.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn tuyên truyền Luật thủ đô tới các đại biểu và người dân.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn tuyên truyền Luật thủ đô tới các đại biểu và người dân.

Tuy nhiên, với cơ chế cho phép "ưu tiên" áp dụng Luật Thủ đô nếu Luật khác có quy định về cùng vấn đề thì Hà Nội đã có cơ chế để tháo gỡ.

Rất đáng chú ý, Luật Thủ đô cũng có quy định cho phép xây dựng trên khu vực bãi sông, bãi nổi, được phép tồn tại 1 số khu dân cư đã hiện hữu (không còn phụ thuộc Luật Đê điều) nhằm mục đích khai thác hiệu quả quỹ đất, trong khi đã giải quyết hiệu quả việc trị thủy các dòng sông.

Điều này giúp hàng nghìn hộ gia đình không còn phải xây "chui", đặc biệt có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, người dân sẽ được thế chấp, chuyển nhượng, thừa kế,…

Nhiều vi phạm hành chính bị phạt gấp đôi theo Luật Thủ đô

Không chỉ có đặc quyền như trên, ông Tuấn còn lưu ý, Luật Thủ đô cho phép xử phạt trong vi phạm hành chính có thể lên gấp đôi so với các quy định hiện hành khác. Do đó, ông lưu ý người dân sinh sống làm việc trên địa bàn Hà Nội hết sức lưu ý đến nội dung này.

Theo đó, về xử phạt hành chính trên địa bàn Hà Nội được áp dụng theo nguyên tắc HĐND được áp dụng mức phát cao hơn nhưng không quá 2 lần quy định của Chính phủ. Trong đó có lĩnh vực an toàn thực phẩm, đất đai, môi trường,…

Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và các đại biểu.

Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và các đại biểu.

Trong đó, liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Chính phủ bạn hành Nghị định 123/2024. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền xử phạt hành chính tới 500 triệu đồng liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Như vậy, nếu đối tượng bị áp dụng theo Luật Thủ đô thì số tiền lại lên tới 1 tỷ đồng.

Hay, vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản theo Nghị định của Chính phủ bị phạt tới 1 tỷ đồng thì Nghị quyết của HĐND Tp.Hà Nội có thể phạt tới 2 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho hay, vấn đề thực phẩm bẩn hiện đang rất được quan tâm thời gian qua với việc cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt các loại thực phẩm giả, kém chất lượng.

Nghị quyết 49 của HĐND Tp.Hà Nội về quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng có quy định xử lý tăng nặng so với các quy định khác.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn lưu ý người dân về các lĩnh vực có thể bị xử phạt hành chính theo Luật Thủ đô có thể gấp 2 lần các quy định khác.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn lưu ý người dân về các lĩnh vực có thể bị xử phạt hành chính theo Luật Thủ đô có thể gấp 2 lần các quy định khác.

Đơn cử, phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc giấy đã hết hiệu lực; phạt tiền đến 120 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt hoặc giấy đã hết hiệu lực.

Do đó, ông đề nghị người dân nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời phổ biến tới người thân trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định.

Theo ông Tuấn, việc tăng nặng xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là rất hoan nghênh. Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn về một cụm từ trong Nghị quyết hướng dẫn nêu trên.

Những nội dung tuyên truyền bám sát thực tiễn thu hút sự chú ý của người dân tại hội nghị.

Những nội dung tuyên truyền bám sát thực tiễn thu hút sự chú ý của người dân tại hội nghị.

Cụ thể, hành vi "không cắt ngắn móng tay" khi trực tiếp tiếp xúc, chế biến thực phẩm bị phạt tới 6 triệu đồng (từ 2-6 triệu đồng - PV), nhưng Nghị quyết lại không nêu rõ móng tay thế nào là dài, phải cắt ngắn đến đâu.

Do đó, quy định chỉ mang tính định tính mà không có định lượng sẽ dẫn đến khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh đồng thời khó khăn cho việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng. Từ đó, rất dễ dẫn đến bức xúc, khiếu kiện của người dân khi bị xử phạt.

"Không chỉ tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới người dân, chúng tôi còn chỉ ra những bất cập tồn tại của các quy định, chính sách khi áp dụng thực tế", ông Tuấn nói thêm.

Ông Lê Trung Đức – Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Tp.Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ phát biểu.

Ông Lê Trung Đức – Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Tp.Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ phát biểu.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Lê Trung Đức – Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Tp.Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ đánh giá, Luật Thủ đô được xây dựng và áp dụng riêng cho Hà Nội với nhiều cơ chế thông thoáng, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc mà trước đây Hà Nội mất nhiều năm để giải quyết.

Thông qua công tác tuyên truyền, ông mong muốn mỗi người dân, đại biểu hiểu rõ về Luật Thủ đô. Bởi, việc áp dụng và thực thi tốt Luật chính là cơ sở giúp xây dựng Thủ đô Hà Nội trở nên văn minh hiện đại.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-khoan-quy-dinh-khong-cat-ngan-mong-tay-bi-phat-toi-6-trieu-dong-204250510135254321.htm