Băn khoăn tăng trần nợ công cho các địa phương

Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết. Bởi vì, vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta hợp nhất, sáp nhập các địa phương từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 tỉnh, thành. Do đó rất cần nguồn lực đầu tư để kết nối trong nội thành, kết nối vùng và kết nối giữa các địa phương, nên nguồn lực đầu tư rất lớn. Việc này là cần thiết tuy nhiên có thể làm tăng mức nợ công.

Ông Ngân đề nghị, Quốc hội và Chính phủ xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đang có nhiều dự án lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị. Do đó thay vì mức trần 120% phần ngân sách thu được hưởng thì đề nghị Quốc hội xem xét có thể nâng mức này từ 150% cho đến 200% mức thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

ĐB Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, về quy định bội chi và hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương cần linh hoạt theo năng lực tài khóa và khả năng trả nợ.

Theo bà Lệ, dự thảo hiện quy định trần nợ vay địa phương theo tỷ lệ phần trăm thu được hưởng theo phân cấp 80% hoặc 120%. Cách tính này chưa phản ánh đúng năng lực thực tế, không phù hợp với các địa phương có quy mô kinh tế lớn, có năng lực huy động vốn cao như TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có năng lực tài chính, uy tín tín dụng và khả năng huy động vốn cao, hoàn toàn có thể vay lại từ ODA, phát hành trái phiếu chính quyền để đầu tư các công trình trọng điểm. Do đó, ngoài tiêu chí thu phân cấp, cần bổ sung tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính tín dụng. Việc Quốc hội cho phép địa phương bội chi để đầu tư các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa vùng cũng cần được luật hóa rõ ràng hơn.

Về các khoản thu chi mới trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, theo bà Lệ, trong bối cảnh các địa phương đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số.

“Đề nghị luật cho phép sử dụng nguồn vượt thu kết dư ngân sách để đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, số hóa thủ tục hành chính, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng xanh cho các mục tiêu phát triển chiến lược theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân”, bà Lệ nói và đề nghị về nguyên tắc quản lý ngân sách, bổ sung nội dung ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu mở, chuyển đổi số toàn diện của chính quyền. Đây là khoản đầu tư cho tương lai, cần được xem là ưu tiên chiến lược.

Ở góc độ của mình, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, về mức dư nợ vay của chính quyền địa phương dự thảo đã quy định đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương thì mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Theo bà Hà, về mức dư nợ vay này, theo luật hiện hành đã xác định mức dư nợ của địa phương theo tỷ lệ thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên. Theo dự thảo luật này có sửa đổi, bổ sung đó là xác định trên cơ sở địa phương tự cân đối hay chưa tự cân đối, đồng thời đã thu gọn 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành.

“Việc sửa đổi, bổ sung lần này là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương trong tình hình mới. Theo đó, cần mở rộng hơn so với quy định hiện hành. Thực tế hiện nay, Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đã cho phép nâng mức dư nợ này đối với một số địa phương, bà Hà nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Song ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) lo ngại, bây giờ “tăng trần nợ công” cho các địa phương rất quan ngại vấn đề sẽ có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương mà không còn dùng vay nợ để tập trung được nguồn lực cho các công trình, dự án lớn quốc gia đã và đang triển khai trong thời gian tới. Do vậy cần thận trọng cân nhắc vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình tại phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình tại phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay khi tính toán việc tăng trần nợ công cho các địa phương Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ. Hiện nay trần nợ công của chúng ta Quốc hội đang cho phép là 60% và thực tế đến hết năm 2024 chúng ta mới sử dụng có 34,7% GDP cho nên việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng và trên cơ sở tương quan với chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ban-khoan-tang-tran-no-cong-cho-cac-dia-phuong-10306649.html