Băn khoăn thẩm quyền, tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán
Quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là một trong những nội dung được nhà đầu tư, DN quan tâm khi Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) tiếp tục được góp ý, hoàn thiện.
Ngoài các phương án đã được đưa vào Dự Luật, trong giải trình về một số vấn đề lớn của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất thêm một phương án mới liên quan đến địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN. Theo đó, dù đơn vị này vẫn đặt ở Bộ Tài chính như phương án của Chính phủ, nhưng sẽ được tăng thêm tính độc lập và thẩm quyền. Đặc biệt, thẩm quyền của UBCKNN đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký sẽ được quy định sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự.
UBCKNN được quy định sẽ thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký. Để bảo đảm vị thế trong hợp tác quốc tế, Chủ tịch UBCKNN cũng được quy định là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của UBCKNN; do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo phương án này, UBCKNN sẽ tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán - IOSCO, khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính.
Mặc dù vậy vẫn còn những băn khoăn về việc không phù hợp với một số luật. Như về mặt nguyên tắc, quy định liên quan đến tổ chức, cơ cấu của cơ quan quản lý Nhà nước trong luật chuyên ngành phải bám sát quy định của các luật về tổ chức (Luật Tổ chức Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Cần cân nhắc việc mở rộng thẩm quyền của UBCKNN theo hướng thay Bộ thực hiện chứng năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký. Bởi theo Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ có chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, khi cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước hiện được tổ chức dưới ba hình thức theo cơ chế Bộ chủ quản, hoặc do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước quản lý hay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN quản lý. Đồng thời cần cân nhắc quy định địa vị pháp lý của UBCKNN cũng như việc mở rộng thẩm quyền thực hiện đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình việc nghiên cứu tăng thẩm quyền phù hợp cho UBCKNN để “đi ra ngoài hội nhập được”, nhất là quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dù quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính như phương án Chính phủ đã trình, song sẽ có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 48/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN hiện hành. Theo đó, UBCKNN được tăng thẩm quyền trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển để trình cấp có thẩm quyền ban hành; trực tiếp giám sát, quản lý các hoạt động giao dịch chứng khoán, dịch vụ chứng khoán; giám sát tổ chức nghề nghiệp xã hội về chứng khoán… Quy định này được cho là sẽ giữ ổn định cho thị trường tài chính.