Băn khoăn thuế cho phân bón
Ngày 29/8, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.
Về mức thuế suất 5%, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, nhiều ý đề nghị giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi chính sách từ góc độ ngành sản xuất cũng như từ góc độ tác động đối với người tiêu dùng. Ý kiến khác đề nghị quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất 0% hoặc 2% và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc đề nghị tăng thuế đối với những mặt hàng này theo lộ trình.
Về nội dung này, hiện vẫn còn 2 luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế GTGT như quy định hiện hành.
Quan điểm thứ hai thống nhất với cơ quan soạn thảo, chuyển nhóm ngành hàng này vào diện chịu thuế GTGT 5%.
Đồng tình với quan điểm, giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế GTGT như quy định hiện hành, ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nếu áp thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí cho bà con nông dân. Trong điều kiện bà con nông dân còn rất nhiều khó khăn, tình trạng bỏ ruộng hoang ở nhiều nơi vẫn xảy ra vì thu nhập thấp. Do đó trong thời điểm hiện nay chưa nên đánh thuế đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nếu giữ như quy định luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, và phí này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá sản phẩm. Từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón. Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân.
“Vì vậy nên giữ như quy định hiện hành, phân bón chuyển sang điều 5 về các đối tượng không chịu thuế VAT. Còn nếu muốn đảm bảo hài hòa thì đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%. Như vậy vừa xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp, vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn có thể làm giảm giá phân bón, khuyến khích phát triển nông nghiệp”-ông Mai nói.
ĐB Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) cũng cho hay, việc dự thảo luật quy định chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, biển, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5%. Nếu chịu thuế suất 5% sẽ làm tăng sẽ làm tăng chi phí phục vụ cho sản xuất ngư nghiệp và nông nghiệp. Đây là chính sách cần tiếp tục quan tâm. Do đó nên giữ nguyên như luật hiện hành là những đối tượng không chịu thuế.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐắK Nông) đưa ra phân tích. Qua tìm lại hồ sơ khi trình Quốc hội sửa đổi một số đạo luật về thuế thì có giải trình trong 15 nhóm này có nhóm là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như: thức ăn chăn nuôi, phân bón. Nếu để ở mức 5% vẫn là gánh nặng cho người sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá thành của sản phẩm đầu ra. Do vậy trình Quốc hội để Quốc hội quyết định không áp thuế 5%. Tức là không thu thuế đối với sản phẩm này. Nhưng đến bây giờ đến khi trình Luật Thuế Thuế giá trị gia tăng sửa đổi thì cơ quan trình luật lại cho rằng do không áp thuế nên không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, làm tăng giá thành nên rừ đó đề xuất mới thuế suất 5%.
“Nếu nói đánh thuế để giảm giá bán là không thuyết phục. Vừa qua để phục hồi kinh tế chúng ta cố gắng giảm 2% thuế VAT cho người dân để kích thích tiêu dùng. Bây giờ bảo đánh 5% để giảm giá bán là không thuyết phục. Do đó không áp thuế đối với toàn bộ nhóm dự kiến đưa vào chứ không riêng gì phân bón, và nên giữ nguyên như hiện nay”-ông Giang nói rõ.
Song ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) lại cho rằng, thuế 5% đối với phân bón cần đánh giá khách quan vấn đề này. Chúng ta không nên căn cứ vào giá cao hay giá thấp, có tăng giá hay không tăng giá khi đánh thuế để quyết định chính sách. Phải nhìn một cách tổng thể đối với một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có ngành sản xuất phân bón trong nước đàng hoàng và đỉnh đạc mà cứ phải điều chỉnh lên điều chỉnh xuống về chính sách là không ổn.
Chúng ta cần có ngành sản xuất phân bón hiện đại bình đẳng với thế giới chứ không phải lúc nào cũng “chạy” theo chính sách, lúc nào cũng phải phụ thuộc vào thế giới, thị trường nhập khẩu. Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân được hưỏng lợi, xã hội hưởng lợi, và ngành nông nghiệp được lợi.
Nếu tăng thuế thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán. Nghĩa là có dư địa để giảm giá chứ không phải giảm giá ngay, còn giảm như thế nào cần đánh giá. Đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% thì còn có cơ hội để thu thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu. Chi phí đó nếu không thu ngay sẽ được hoàn. Phải đánh giá cái được, cái mất, và đi vào tổng thể. Lý do để cơ quan soạn thảo đưa về thuế suất 5% cũng có lý sự của nó. “Nếu chúng ta cứ đi vào câu chuyện tăng thuế thì tăng giá hay giảm giá? thì không bao giờ xử lý được vấn đề này. Và câu chuyện của ngành sản xuất phân bón vẫn như câu chuyện cách đây 10 năm, sẽ rất phụ thuộc vào thế giới”-ông An nói và đề nghị hết sức cân nhắc vấn đề này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ban-khoan-thue-cho-phan-bon-10289017.html