Băn khoăn về quy định bắt buộc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội

Thảo luận về việc tách xét xử riêng vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, một số ý kiến cho rằng việc tách vụ án sẽ thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về 'phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em', thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, theo một số đại biểu cần không nên quy định bắt buộc phải tách vụ án, mà nên giao thẩm quyền tách vụ án cho các cơ quan có liên quan quyết định.

Ủng hộ việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc đề xuất 100% vụ án đều phải tách sẽ không hợp lý. Bởi, có những trường hợp tình tiết trong xử lý vụ án mà người chưa thành niên có liên quan rất lớn, đặc biệt là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu tách ra như vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra cũng như gây khó khăn cho cơ quan xét xử, vì vậy nên giao thẩm quyền tách vụ án cho các cơ quan này quyết định.

Tán thành với quan điểm này, đại biểu Lê Tất Hiếu cho rằng trong thực tiễn tội phạm có người chưa thành niên đang tiếp tục tăng lên, rất nhiều vụ án người chưa thành niên giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, khi xét xử cần phải có đầy đủ lời khai, đối chất trực tiếp của tất cả các bị cáo tại phiên tòa thì mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Nếu tách ra thì cả những bị cáo là người chưa thành niên và bị cáo đã thành viên đều phải có mặt tham dự cả 2 phiên tòa. Do đó, đại biểu đề nghị nếu có đủ điều kiện tách thì sẽ tách và nếu trong trường hợp đặc biệt không tách được thì cho phép không tách.

Thảo luận về biện pháp giám sát điện tử áp dụng với người chưa thành niên, một số ý kiến nhận định đây là biện pháp phù hợp với xu thế và đáp ứng yêu cầu giám sát chặt chẽ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, vừa giúp người chưa thành niên không bị gián đoạn học tập, lao động. Tuy nhiên, để biện pháp này phát huy tính hiệu quả, phù hợp với người chưa thành niên của từng vùng, miền các đại biểu cho rằng cần quy định sát thực tiễn hơn, đồng thời, trong quá trình áp dụng giám sát điện tử phải tôn trọng đời tư cá nhân của các thành viên khác của hộ gia đình.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ban-khoan-ve-quy-dinh-bat-buoc-tach-vu-an-hinh-su-co-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-240519.htm