Băn khoăn với cáo buộc hiệu trưởng ở Cà Mau tham ô 10,7 triệu đồng
Các chuyên gia đồng quan điểm rằng việc bản án sơ thẩm tuyên ông Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (Cà Mau) phạm tội tham ô tài sản với số tiền 10,7 triệu đồng, là thiếu thuyết phục.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, mới đây, TAND tỉnh Cà Mau đã xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (xử 7 năm tù) đối với ông Trần Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ) phạm tội tham ô tài sản với số tiền 10,7 triệu đồng.
HĐXX cho rằng các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản, đây là một thiếu sót nghiêm trọng, nên đã hủy án để điều tra lại.
Việc cáo buộc ông Tâm phạm tội tham ô tài sản trong vụ án này còn nhiều ý kiến khác nhau.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của một số chuyên gia.

Trường THCS Tam Giang Tây, tỉnh Cà Mau - Nơi ông Tâm làm Hiệu trưởng. Ảnh: CTV
Tiến sĩ NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, Trưởng Bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Cần làm rõ nhiều vấn đề
Việc định tội danh tham ô tài sản cần chú ý phân biệt với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt và các tội phạm tham nhũng khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Căn cứ khoản 1 và khoản 6 Điều 353 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, 2025) quy định về tội tham ô tài sản, thì dấu hiệu định tội được xác định qua các yếu tố sau:
Khách thể của cấu thành tội phạm: Xâm phạm hoạt động đúng đắn, xâm phạm đến quyền sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Đối tượng tác động là tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.
Mặt khách quan của cấu thành tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Người phạm tội có thể chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức chiếm đoạt khác nhau. Hậu quả của tội phạm là thiệt hại về tài sản, mức độ thiệt hại được xác định bằng trị giá tài sản chiếm đoạt được. Tội này có cấu thành vật chất, hậu quả của tội phạm có ý nghĩa định tội.
Mặt chủ quan của cấu thành tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Tuy khoản 1 Điều 353 BLHS không nêu cụ thể dấu hiệu động cơ phạm tội nhưng về bản chất động cơ của người phạm tội tham ô tài sản là động cơ vụ lợi, vì Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Về chủ thể của cấu thành tội phạm: Đây là tội phạm có chủ thể đặc biệt nên ngoài dấu hiệu năng lực TNHS và tuổi chịu TNHS thì người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn được giao quản lý tài sản.
Theo diễn biến hành vi thể hiện trong bản kết luận điều tra và trong bản án sơ thẩm, để kết luận người đó phạm tội tham ô tài sản cần chứng minh bản chất của sự việc là người thực hiện hành vi đã lợi dụng chức vụ được giao là hiệu trưởng (người quản lý và chịu trách nhiệm liên quan đến kinh phí hoạt động thường xuyên của trường) để chiếm đoạt tài sản từ nguồn này, hay là hành vi làm trái với các quy định về sử dụng kinh phí trong việc mua sắm thiết bị phục vụ cho việc dạy học.
Trong vụ án này, hiệu trưởng đã tự mua vật tư để tự làm các thiết bị và sử dụng các hóa đơn, trong đó có các hóa đơn không đúng quy định để quyết toán.
Nếu chỉ căn cứ vào việc nội dung các hóa đơn được sử dụng để thanh toán và chênh lệch giữa phần trả cho nguyên vật liệu và phần được quyết toán để kết luận về hành vi tham ô tài sản là chưa đầy đủ để chứng minh hành vi chiếm đoạt.

Một trong số những kệ mà ông Trần Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ) tự tay làm, sau đó dính án. Ảnh: TV
Phải có đủ chứng cứ để làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, hiệu trưởng đã sử dụng những khoản tiền được quyết toán từ các hóa đơn này vào các nội dung gì để xác định có chiếm đoạt hay không?
Thứ hai, xác định trị giá của các trang thiết bị đã được làm để xác định mức độ thiệt hại. Cần lưu ý khi định giá đối với các trang thiết bị là phải xác định giá trị tương ứng ở thời điểm hoàn thành các trang thiết bị mà không phải là thời điểm định giá hiện tại.
Thứ ba, xác định động cơ của người thực hiện hành vi có vụ lợi cho bản thân hay không? Nếu không đủ chứng cứ để chứng minh cho hành vi chiếm đoạt, động cơ vụ lợi cho bản thân người thực hiện hành vi thì chưa đủ cơ sở để kết luận hiệu trưởng phạm tội tham ô tài sản.
Trong trường hợp chứng cứ chỉ đủ cơ sở chứng minh người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ được giao trong việc sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên của trường để mua sắm trang thiết bị dạy học gây thiệt hại cho trường từ 10 triệu đồng trở lên thì hành vi có thể cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.
Về hình phạt, bản án sơ thẩm đã kết luận hiệu trưởng phạm tội tham ô tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS. Đây đã là mức thấp nhất trong khung hình phạt nhưng mức án 7 năm tù cho việc kết luận tham 10,7 triệu đồng là quá nghiêm khắc.
Thạc sĩ – Luật sư TRẦN HOÀNG HẢI PHONG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Đồng tình với phán quyết của HĐXX phúc thẩm
Để nhận định hành vi của ông Tâm có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS hay không, cần làm rõ hai vấn đề. Đó là ông Tâm có lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công do mình có trách nhiệm quản lý hay không và nếu có thì trị giá số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu. Mà cả hai vấn đề này tòa án cấp sơ thẩm đều chưa làm rõ.

Thạc sĩ – Luật sư Trần Hoàng Hải Phong, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Theo hồ sơ vụ án, các sản phẩm như kệ hồ sơ, bàn ghế, bảng thông báo là có thật, hiện hữu và đang được sử dụng tại trường. Dù ông Tâm có sai phạm về thủ tục khi mua hóa đơn nhưng không thể phủ nhận giá trị sức lao động và giá trị của các sản phẩm mà ông đã làm ra. Vì vậy, việc định giá các sản phẩm mà ông Tâm đã làm ra là quan trọng và bắt buộc.
Ông Tâm khai đã sử dụng số tiền trên cho việc tập thể của trường, chứ không chiếm đoạt riêng như tiền sửa hàng rào, tiền internet, tiền công tác phí cá nhân, tiền thuê kế toán cho trường, tiền photo tài liệu và đặt cơm cho đoàn thanh tra.
Có thể thấy nếu số tiền trên ông Tâm dùng cho việc tập thể thì việc kết luận ông chiếm đoạt tài sản của trường liệu có hợp lý chưa?
Hành vi tham ô tài sản là hành vi được thực hiện với yếu tố về mặt chủ quan là lỗi cố ý trực tiếp. Vậy cần làm rõ ông Tâm có chủ đích dùng các hóa đơn bên ngoài để hợp thức hóa, sau đó chiếm đoạt tài sản của nhà trường hay không.
Do vụ án có nhiều mâu thuẫn, tình tiết chưa được chứng minh làm rõ nên việc HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là phù hợp.
Chưa xem xét toàn diện vụ án
Bản án sơ thẩm tuyên ông Trần Văn Tâm 7 năm tù về tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS 2015 là chưa thuyết phục và còn nhiều điểm cần làm rõ.
Quyết định hủy án của HĐXX phúc thẩm để điều tra lại là cần thiết, đảm bảo giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.
Bởi lẽ, thứ nhất, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản do ông Tâm chế tác, dẫn đến việc xác định thiệt hại 10,7 triệu đồng.
Các sản phẩm này là có thật, được nhà trường đưa vào sử dụng và phục vụ lợi ích chung. Nếu giá trị thực tế của chúng tương đương hoặc gần bằng số tiền thanh toán thì có thể không có thiệt hại, một yếu tố bắt buộc để cấu thành tội tham ô tài sản.
Thứ hai, cần làm rõ ý thức chủ quan của ông Tâm. Ông thừa nhận sử dụng hóa đơn khống là sai quy định, nhưng khẳng định chỉ nhằm hợp thức hóa chi phí cho công sức và vật liệu, không có ý định và mục đích chiếm đoạt.
Đồng thời, cơ quan chuyên môn là Sở Tài chính tỉnh Cà Mau có kết luận các chứng từ thanh toán, quyết toán cơ bản đảm bảo theo quy định pháp luật, mà tội tham ô yêu cầu lỗi cố ý trực tiếp với mục đích chiếm đoạt, nhưng hiện chưa làm rõ về động cơ vụ lợi cá nhân của ông Tâm.
Thứ ba, cơ quan tố tụng chỉ dựa vào hóa đơn khống để tính thiệt hại mà không xem xét các khoản chi hợp lý, thực tế là chưa xem xét toàn diện, khách quan vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo.
Ông Tâm là hiệu trưởng chuyên môn về giáo dục, không phải chuyên môn về tài chính, nên việc sai phạm trong quản lý tài chính có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết pháp luật, không phải là hành vi cố ý chiếm đoạt.
Thiết nghĩ, cần xem xét hậu quả để lại có lớn không, khi các sản phẩm đã phục vụ lợi ích công và có thể khắc phục, xử lý hành chính thay vì truy cứu TNHS.
Luật sư NGUYỄN HỮU TIẾNG, Đoàn Luật sư TP.HCM