Chung cư cũ TP.HCM: Xuống cấp, cơi nới bừa bãi và hiểm họa hỏa hoạn

Nhiều chung cư cũ ở TP.HCM đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống kỹ thuật và phòng cháy chữa cháy (PCCC). Việc người dân tự ý cơi nới, che chắn bằng vật liệu dễ cháy làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn và cản trở công tác cứu hộ

Những “điểm mù” an toàn cháy nổ ở nhà cũ

Chiều 10/7, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP, đã cảnh báo về những nguy cơ hỏa hoạn rình rập tại các khu chung cư, cư xá lâu năm trên địa bàn.

Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM ông Hưởng cho biết nguyên nhân bước đầu được xác định là do chập điện ở dây dẫn nối với thiết bị máy sấy quần áo và tủ lạnh. Đáng chú ý, khu vực cháy là phần sân bị lấn chiếm, có chứa xe máy và xe điện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát đám cháy lớn.

Theo đánh giá của Công an TP, phần lớn các chung cư cũ tại TP.HCM, được xây dựng từ hơn hai thập kỷ trước - đều đang trong tình trạng xuống cấp nặng, đặc biệt là hệ thống kỹ thuật và hạ tầng phòng cháy chữa cháy. Mưa nắng, thời gian sử dụng dài, cộng thêm việc thiếu bảo trì khiến nhiều hạng mục không còn đảm bảo an toàn.

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là việc thiếu quỹ bảo trì hoặc nguồn kinh phí cố định để sửa chữa, cải tạo. “Người dân tại các chung cư này chủ yếu là lao động thu nhập thấp nên rất khó huy động tài chính cho các công tác nâng cấp hệ thống PCCC”, Thiếu tướng Hưởng nhận định.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều ngày 10/7. Ảnh:Hà Sang

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều ngày 10/7. Ảnh:Hà Sang

Đáng lo hơn cả là tình trạng người dân tự ý cơi nới, che chắn không đúng quy định, như mở rộng diện tích sinh hoạt bằng vật liệu dễ cháy, bịt kín lối thoát hiểm… Những hành vi này không chỉ tăng nguy cơ cháy lan mà còn gây trở ngại nghiêm trọng cho lực lượng cứu hộ khi xảy ra sự cố.

Nỗ lực tuyên truyền và xử lý vẫn chưa đủ mạnh

Dù chính quyền TP.HCM đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, chiến dịch kiểm tra cũng như đẩy mạnh truyền thông về PCCC, nhưng thực tế cho thấy hiệu quả vẫn còn hạn chế. Vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt ở các khu nhà cũ có mật độ dân cư cao và diện tích sinh hoạt chật hẹp.

Từ đầu năm đến nay, Công an TP đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức 270 lớp huấn luyện kỹ năng PCCC, với gần 80.000 người tham gia. Đồng thời, các hình thức truyền thông trực tiếp như phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền… cũng được triển khai rộng khắp.

Về mặt kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành 1.488 lượt giám sát, lập hơn 1.400 biên bản vi phạm và xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Vụ cháy xảy ra tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM.

Vụ cháy xảy ra tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh: PCCC không chỉ là trách nhiệm của chính quyền hay ban quản lý tòa nhà, mà quan trọng hơn cả là sự chủ động từ phía người dân. Ông kêu gọi mỗi hộ gia đình cần tự trang bị các thiết bị chữa cháy cơ bản như bình CO2, chuông báo cháy, đồng thời thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và loại bỏ vật liệu dễ cháy như bụi, mạng nhện, tranh treo tường...

Đặc biệt, cần loại bỏ ngay các hành vi vi phạm như lấn chiếm không gian chung, che chắn, cơi nới làm mất lối thoát hiểm, bởi chính những điều tưởng chừng “vô hại” đó lại có thể trở thành nguyên nhân khiến một sự cố nhỏ biến thành thảm họa.

Hà Sang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/chung-cu-cu-tphcm-xuong-cap-coi-noi-bua-bai-va-hiem-hoa-hoa-hoan-c2a100573.html