Băn khoăn với đề xuất điều chỉnh chỉ số SIPAS

Gần đây, Bộ Nội vụ và một số tỉnh, thành đề nghị xem xét, điều chỉnh 'đạt từ 90% trở lên' còn 'đạt từ 80% trở lên'. Liệu đề xuất hạ thấp tỷ lệ về chỉ số chỉ số hài lòng của người dân (chỉ số SIPAS) có đồng nghĩa với hạ thấp tiêu chí NTM?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nông thôn mới (NTM) về bản chất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Việt Nam. Đơn vị NTM cũng có nhiều mức: chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu.

Nghị quyết 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đã đặt ra các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.

Đến hết tháng 9/2024, cả nước có 77,2% xã đạt chuẩn NTM (trong đó 34,6% đạt chuẩn NTM nâng cao; 7,6% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 296 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (trong đó 11 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao). Với những nơi từ đạt chuẩn trở lên, những điều được nhìn thấy đầu tiên không chỉ là điện - đường - trường - trạm; mà còn là vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu theo tiêu chí văn hóa, xanh - sạch - đẹp... phản ánh sự thay đổi vượt bậc của nông thôn, cả về vật chất lẫn tinh thần.

So với mục tiêu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, khả năng hết năm 2025, Chương trình NTM sẽ đạt được các mục tiêu về cấp xã, huyện; nhưng mục tiêu có thêm 12 - 14 địa phương cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM sẽ không đạt.

Một số tỉnh, thành phố hiện đang vướng mắc về chỉ số SIPAS, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính (CQHC) nhà nước thuộc cấp tỉnh, thành quản lý; và một số nội dung khác. Cụ thể, theo Nghị quyết 76/NQ-CP thì chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của CQHC thuộc cấp tỉnh, thành quản lý đạt từ 90% trở lên.

Gần đây, Bộ Nội vụ và một số tỉnh, thành đề nghị xem xét, điều chỉnh “đạt từ 90% trở lên” còn “đạt từ 80% trở lên”. Liệu đề xuất hạ thấp tỷ lệ về chỉ số SIPAS có đồng nghĩa với hạ thấp tiêu chí NTM?

Cần nói thêm, chỉ số SIPAS được đo lường thông qua điều tra xã hội học với người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính (đã hoàn thành và nhận kết quả) ở các dịch vụ hành chính công được lựa chọn khảo sát. Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của CQHC thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể.

Để thực hiện chỉ số SIPAS, các tỉnh, thành phải có rất nhiều nỗ lực thông tin, tuyên truyền; công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ công; nâng cao chất lượng công vụ...

Thẩm quyền có chấp thuận đề nghị điều chỉnh chỉ số SIPAS “đạt từ 90% trở lên” còn “đạt từ 80% trở lên” khi xem xét công nhận đạt tiêu chí NTM hay không; thuộc Chính phủ và cơ quan Trung ương. Đây được đánh giá là vấn đề cần được xem xét kỹ, cần có những lập luận vững chắc rút ra từ cơ sở thực tiễn; để làm sao vừa không gây khó cho một số địa phương, nhưng cũng đảm bảo ưu tiên yếu tố sự hài lòng của người dân với CQHC luôn là mục tiêu phấn đấu.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ban-khoan-voi-de-xuat-dieu-chinh-chi-so-sipas-post529401.html