Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ngày 23/8, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí La Văn Hồng Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, kiến nghị tại buổi giám sát.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, kiến nghị tại buổi giám sát.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 2021 - 2023, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương tỉnh, Sở KH&ĐT đã cơ cấu, bố trí vốn giao từ năm 2021 - 2024 là 1.417.963,533 triệu đồng, đến nay, đã giải ngân được 1.166.469,979 triệu đồng, đạt 82% kế hoạch, thực hiện đầu tư 27 dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp chủ yếu về kè, đập, bảo vệ phát triển rừng, nông nghiệp thông minh và cấp nước... đến nay, các dự án đã hoàn thành theo mục tiêu đề ra, phát huy hiệu quả, công năng của dự án sau đầu tư; thực hiện Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, sở tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chủ trương 15 dự án đầu tư, trong đó, có 10 dự án có dự kiến nhà đầu tư, 5 dự án chưa dự kiến nhà đầu tư.

Đối với Sở NN&PTNT, ngân sách Trung ương và địa phương chi cho hoạt động khuyến nông trên 11 tỷ đồng, thực hiện 24 mô hình khuyến nông (11 mô hình trồng trọt, 6 chăn nuôi, 4 thủy sản, 3 lâm nghiệp), đến nay, giải ngân trên 10.853 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch.

Để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), UBND các huyện, thành phố tiến hành lồng ghép nguồn lực của các CTMTQG, xây dựng nông thôn mới, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nghị quyết 48/2020/NQ-HĐND để hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho các hộ gia đình chính sách. Một số huyện xây dựng các chuỗi liên kết giá trị chăn nuôi trâu, bò, lợn nái, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án trang trại chăn nuôi được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tại huyện Hòa An, Trùng Khánh; quy mô 8.000 con lợn thịt/lứa, hơn 2.000 lợn nái; 24 lợn đực giống; hỗ trợ kinh phí cho cho 1 dự án trang trại (Dự án Trang trại chăn nuôi Vân Trình của Công ty TNHH Xây dựng 26-3) với tổng kinh phí 315 triệu đồng theo Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND. Qua đánh giá, giá trị sản xuất chăn nuôi đều tăng dần theo các năm. Cơ cấu chăn nuôi năm cả giai đoạn ở mức trên 28% trong cơ cấu nông nghiệp.

Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 167 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 125 HTX đang hoạt động, với tổng số 1.382 thành viên, tổng số vốn điều lệ 318.165 triệu đồng. Các HTX hoạt động tương đối ổn định, phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Thông qua việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng có bước tiến triển tích cực, tỉnh hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trên 116.630 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng trên 412.386 ha, dự án được triển khai trên địa bàn các xã thuộc các huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm.

Thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí từ các CTMTQG để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện nội dung số 1, tiểu dự án 2, dự án 3, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh thực hiện 724 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 47 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 653 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với 31.885 hộ tham gia.

Việc tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp giúp ổn định cuộc sống phần lớn dân cư nông thôn, tăng thu nhập cho người dân từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác gặp nhiều khó khăn; công tác giải ngân một số dự án đầu tư công còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp; năng lực tham mưu, tư vấn và tổ chức thực hiện các dự án của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hạn chế. Dự án lâm nghiệp có tính chất đặc thù về trồng rừng, do diện tích manh mún nhỏ lẻ, địa hình rộng, giao thông đi lại khó khăn, một số người dân chưa quan tâm đến công tác trồng rừng nên gây khó khăn trong khảo sát, thiết kế hiện trường trồng rừng; số lượng dự án của các nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư còn thấp; quy mô dự án nhỏ; một số chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nên khó thực hiện.

Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT kiến nghị: Cần quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền lương để thu hút lao động trẻ về làm việc tại HTX nông nghiệp; bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bổ sung cơ chế đặc thù để thực hiện dự án Bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025. Các địa phương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, người dân tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp…

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở KH&ĐT làm rõ thêm các số liệu trong thực hiện Nghị quyết số 20, Nghị quyết số 68; chênh lệch vốn và mục tiêu của Dự án chăn nuôi bò sữa ở huyện Thạch An, Quảng Hòa; việc thu hồi Dự án nuôi cá hồi ở Phia Oắc - Phia Đén (Nguyên Bình). Đối với sở NN&PTNT cần làm rõ thêm các nội dung hỗ trợ trong Nghị quyết 48/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 về ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; các giải pháp thực hiện về bình ổn giá cả việc triển khai các dự án cộng đồng trong CTMTQG...

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng kết luận buổi giám sát.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng kết luận buổi giám sát.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng đề nghị, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở KH&ĐT hoàn chỉnh báo cáo theo hướng phân tích sâu từng nguyên nhân cụ thể chủ quan, khách quan, đề xuất giải pháp thực hiện các chính sách hiệu quả phù hợp với địa phương để thực hiện tốt các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ban-kinh-te-ngan-sach-hdnd-tinh-lam-viec-voi-so-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-so-ke-hoach-va-d-3171522.html