Hơn 10.000 khách hàng cần hỗ trợ tín dụng gấp sau bão số 3
Cơn bão số 3 đã làm cơ sở vật chất của hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh các tỉnh phía Bắc đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó, hơn 10.000 khách hàng vay vốn ngân hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề đang cần được hỗ trợ gấp.
Là một trong số những hộ vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do bão số 3, bà Ngô Thị Thúy, hộ nuôi cá bè tại Quảng Ninh, cho hay toàn bộ 600 ô cá lồng của gia đình bà nuôi tại Cẩm Phả, mỗi ô thả 500 con, mỗi con khoảng 3kg đã bị bão đánh tan tác, không còn dấu vết nào.
Gia đình bà Thúy còn khoảng 20 lồng cá tại huyện Quảng Yên, tuy nhiên bà không chắc cá còn sống hay không khi nước vẫn dâng cao.
“Tôi làm lâu năm, làm ít một rồi dần dần lớn hơn, tổng cộng khoảng 12 tỷ đồng, nhưng nay không còn gì. Tôi vay ngân hàng 4 tỷ đồng, đã trả được 500 triệu, nhưng giờ tới tháng, đến quý, đến lúc trả nợ mà không có tiền để trả cũng như vốn để tái sản xuất. Nếu được hỗ trợ chút vốn, tôi sẽ khắc phục, đóng thêm ô bè, thả cá con xuống kịp thời để gây dựng lại”, bà Thúy nói.
Theo VietNamNet, ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, cho hay, đến hết ngày 10/9, tổng số có 11.058 khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn tỉnh; đáng lưu ý, thiệt hại nặng là một số khách hàng có bè nuôi thủy sản bị sóng bão đánh trôi dạt.
Tại Hải Phòng, tổng số có 890 khách hàng, với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng, bị ảnh hưởng sau bão.
Tại buổi làm việc giữa Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú với lãnh đạo NHNN các chi nhánh tại Quảng Ninh và Hải Phòng sáng 11/9, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.
Phó Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Duy Hải chia sẻ, riêng tại VietinBank, thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.
“Ngân hàng sẽ đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù”, ông Lê Duy Hải nói.
Theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV, việc cập nhật thông tin để đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng được ngân hàng coi là nhiệm vụ cấp bách, cần được ưu tiên. BIDV sẽ đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi,...
Tại Agribank, Phó Tổng giám đốc Đoàn Ngọc Lưu thông tin, ngân hàng đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng; đồng thời thành lập các đoàn công tác để đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ...
Từ đó, triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay, dư nợ bị ảnh hưởng, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.
Theo ông Hiển, các khách hàng vay vốn tại Quảng Ninh bị thiệt hại theo ngành, lĩnh vực cụ thể như sau: lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 6.270 khách hàng; dư nợ 1.463 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 533 khách hàng, dư nợ 5.243 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 4.255 khách hàng, dư nợ 3.948 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, rất nhiều khách hàng, doanh nghiệp thiệt hại mà không có khả năng trả nợ và gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp. Đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các ngành, đặc biệt với ngành ngân hàng.
“Cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, góp phần ổn định cuộc sống cũng như khắc phục hậu quả do bão để lại”, Phó Thống đốc chỉ đạo.
Trước đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu các NHTM cần tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp , người dân và hộ vay vốn. Đồng thời, tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn, những khoản nợ sắp tới hạn sẽ có cách xử lý tích cực hơn cho khách hàng, người vay vốn.
Phó Thống đốc cũng lưu ý ngay sau bão, các ngân hàng thương mại cần cho vay tiêu dùng để người dân có nguồn kinh phí mua sắm những đồ dùng, trang thiết bị cần thiết cho cuộc sống.
Các chi nhánh ngân hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi cơn bão quét qua, với thiệt hại hơn 27 tỷ đồng. Trụ sở làm việc (chi nhánh, các phòng giao dịch) và các cơ sở vật chất khác (trụ máy ATM, máy móc thiết bị, biển hiệu, mái tôn, cây xanh,…) của hầu hết các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều bị ảnh hưởng và hư hỏng, trong đó một số đơn vị bị thiệt hại khá nặng, có 02 phòng giao dịch của ngân hàng phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục.
Đại diện NHNN chí nhánh Quảng Ninh cho biết, ngay sau khi bão đi qua, các đơn vị đã tập trung huy động lực lượng để khắc phục tạm thời các tài sản bị hư hỏng, để duy trì hoạt động bình thường ngay trong ngày 9/9/2024.
Qua thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn ước tính khoảng 27,4 tỷ đồng và phải mất nhiều ngày để khắc phục được hoàn toàn. Trong đó, có một số đơn vị bị thiệt hại lớn như: Vietinbank Uông Bí thiệt hại 5,5 tỷ đồng; Vietinbank Quảng Ninh thiệt hại 5,2 tỷ đồng với hệ thống ATM, cửa kính, trần, sảnh… hư hỏng nặng; Agribank Quảng Ninh thiệt hại 4,8 tỷ đồng; Vietcombank Hạ Long thiệt hại 3 tỷ đồng; BIDV Quảng Ninh thiệt hại 1,3 tỷ đồng; BIDV Tây Nam thiệt hại 1 tỷ đồng; Vietinbank Cẩm Phả thiệt hại 0,5 tỷ đồng; Vietcombank Đông Quảng Ninh thiệt hại 0,4 tỷ đồng, theo Tạp chí Tài chính.
KHÁNH LINH (t/h)