Ban kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Gia Lai, nhiều kiến nghị quan trọng

Ban Kinh tế Trung ương đã đề nghị tỉnh Gia Lai đề xuất mô hình mới, hiệu quả, tạo đột phá mạnh mẽ trong sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

Đoàn công tác của Ban kinh tế Trung ương vừa làm việc với tỉnh Gia Lai về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 và Kết luận 82-KL/TW ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu của của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ông Ral Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, cho biết qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30 và Kết luận số 82, nhận thức của các cấp ủy, đơn vị, địa phương, đặc biệt người dân và các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên. Bên cạnh đó đã tạo việc làm ổn định, bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại địa phương.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty TNHH-MTV cà phê Gia Lai đã xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài về quyền lợi của công nhân

Sau khi cổ phần hóa, Công ty TNHH-MTV cà phê Gia Lai đã xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài về quyền lợi của công nhân

Sau khi sắp xếp lại 3 công ty nông nghiệp và 11 công ty lâm nghiệp đã hoàn thành việc rà soát, cắm mốc ranh giới đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Tại 3 công ty nông nghiệp, nhà nước không còn nắm giữ cổ phần. Sau khi cổ phần hóa đã trả về cho địa phương trên 1.300 ha đất. Tại 11 công ty lâm nghiệp, nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn điều lệ, các công ty đã trả gần 1.500 ha đất về cho địa phương quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp tại Gia Lai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Trong đó, quá trình cổ phần hóa các công ty nông nghiệp còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, nhất là lĩnh vực đất đai, chế độ cho người lao động. Tại các công ty lâm nghiệp vẫn còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số lâm phần.

Ông Ral Lan Chung cũng đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp trong thời gian đóng cửa rừng lên mức 1,3 triệu đồng/ha; đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp.

Tỉnh Gia Lai đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ

Tỉnh Gia Lai đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ

Quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân để hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước khi tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với đó, để đồng bộ, thống nhất về giao đất, giao rừng, cho thuê đất đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa đảm bảo phù hợp với Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai sửa đổi…

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về những khó khăn của tỉnh Gia Lai trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 và Kết luận số 82 của Bộ Chính trị thời gian qua.

Phó Trưởng Ban Điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Phó Trưởng Ban Điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Duy Hưng mong muốn tỉnh Gia Lai sẽ có đề xuất các mô hình mới, hiệu quả, tạo đột phá mạnh mẽ cho tỉnh trong triển khai nhiệm vụ này. Đồng thời mong sớm hoàn thiện các đề xuất của tỉnh để Ban Kinh tế Trung ương bổ sung, hoàn chỉnh, báo cáo trình Bộ Chính trị.

Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-kinh-te-trung-uong-lam-viec-voi-tinh-gia-lai-nhieu-kien-nghi-quan-trong-196240713084901159.htm